Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao nhiều doanh nghiệp giảm lãi sau soát xét?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Qua một mùa soát xét báo cáo tài chính trong 6 tháng đầu năm, hoạt động đánh giá lại tài sản và rủi ro công nợ từ các công ty kiểm toán đã khiến nhiều doanh nghiệp niêm yết giảm lợi nhuận trên báo cáo.

Trong nửa đầu năm 2022, vấn đề đánh giá lại tài sản khiến cho việc soát xét báo cáo tài chính nửa đầu năm trở nên ồn ào hơn, khi nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận bất thường lên đến cả ngàn tỉ, đồng thời cũng không thiếu doanh nghiệp đang lãi thành lỗ.

Lợi nhuận bất thường giúp một số cổ phiếu trên thị trường có tính hấp dẫn trong ngắn hạn.

Giảm lãi vì chưa ghi nhận giao dịch

Sự kiện gây ồn ào trên thị trường trong thời gian gần đây là trường hợp của Công ty cổ phần Kinh Bắc (mã cổ phiếu KBC). Lợi nhuận sau thuế của công ty này giảm đến 2.257 tỉ đồng, chỉ còn 200 tỉ đồng, sau khi kiểm toán soát xét.

Nguyên nhân là vì đơn vị kiểm toán chưa đồng tình với khoản lợi nhuận đánh giá lại tài sản mà KBC ghi nhận sau khi mua lại công ty con. Đơn vị kiểm toán cho biết việc định giá công ty này phức tạp và “tốn nhiều thời gian”, nên vẫn đang trong quá trình làm việc với đơn vị định giá để xác định giá trị hợp lý chính thức của khoản đầu tư.

Diễn giải một cách đơn giản, có thể hình dung KBC bỏ 10 đồng mua một công ty, sau đó định giá lại tài sản công ty đó phải được 100 đồng, nên liền ghi nhận vào báo cáo tài chính, nhưng đơn vị kiểm toán thì chưa thể xác định được giá trị chính xác nên tạm thời loại bỏ luôn khoản “lợi nhuận” từ việc đánh giá lại tài sản này ra, đợi cho kỳ kiểm toán cuối năm.

Một công ty khác cũng bị kiểm toán không ghi nhận giao dịch đúng kỳ là hãng hàng không Vietjet Air (mã cổ phiếu VJC). Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của VJC theo báo cáo tự lập là 426 tỉ đồng, nhưng sau soát xét chỉ còn 145 tỉ đồng.

“Nguyên nhân cho sự chênh lệch giữa báo cáo tài chính sau kiểm toán và báo cáo tài chính tự lập là do việc chuyển ghi nhận lợi nhuận thương mại tàu bay của một giao dịch vào kỳ sau phù hợp với quy định”, báo cáo giải trình của Vietjet Air có đoạn.

Thực tế xem xét báo cáo tài chính thì khoản mục bị “trừ” nhiều nhất là doanh thu tài chính. Theo báo cáo tự lập thì con số này lên đến 1.394 tỉ đồng, nhưng sau soát xét chỉ còn 343 tỉ đồng. Trước đó, trong báo cáo tài chính quí 1 hợp nhất tự lập (Vietjet Air không có thuyết minh cụ thể giao dịch) ghi nhận doanh thu tài chính là hơn 1.156 tỉ đồng.

Giảm lãi vì giá trị tài sản giảm

Trong mùa soát xét báo cáo tài chính trong sáu tháng đầu năm, phía kiểm toán cũng yêu cầu nhiều công ty phải điều chỉnh báo cáo tài chính vì đánh giá lại giá trị tài sản, chủ yếu ghi nhận thêm khoản lỗ vì giá hàng hóa, giá cổ phiếu trong quí 2 giảm mạnh.

Chẳng hạn như Công ty cổ phần thép Pomina (mã cổ phiếu POM) chuyển từ lãi sau thuế từ 8 tỉ đồng thành lỗ 23 tỉ đồng. Theo giải trình của POM, lý do là vì công ty con trong nhóm Pomina phải trích lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi giá sắt thép liên tục giảm.

Một trường hợp khác phải trích lập vì giá hàng hóa giảm là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã cổ phiếu PLX). Công ty này cho biết do giá bán xăng dầu trong nước từ tháng 7 giảm, nên đã chủ động trích lập để giảm giá hàng tồn kho theo ghi nhận tại thời điểm ngày 30-6 với giá trị lên đến 1.259 tỉ đồng.

Một loại “hàng hóa” khác cũng giảm mạnh khiến nhiều công ty chuyển lãi thành lỗ là cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Chẳng hạn như trường hợp của Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), lợi nhuận sau thuế sau soát xét từ lãi chuyển thành lỗ hơn 68,2 tỉ đồng vì phải điều chỉnh bút toán trong báo cáo tài chính. Theo đó, khoản mục “chênh lệch giảm khi đánh giá lại tài sản tài chính” theo báo cáo tự lập chỉ là hơn 75 tỉ đồng, nhưng sau soát xét lại lên đến gần 214 tỉ đồng.

Để dễ hiểu hơn thì có thể hình dung SHS sẽ ghi nhận lãi hoặc lỗ tùy theo việc sắp xếp cổ phiếu vào khoản mục nào trên báo cáo tài chính. Phía kiểm toán điều chỉnh phân loại khiến cho SHS phải ghi nhận giảm giá trị cổ phiếu, vốn giá đã giảm mạnh trong thời gian qua, vào phần chi phí hoạt động.

Một lý do khác khiến các doanh nghiệp chuyển lãi thành lỗ là vì phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ khó đòi. Chẳng hạn như ở trường hợp Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai (DLG), lợi nhuận trước và sau soát xét chênh nhau đến hơn 71,5 tỉ đồng. Theo giải trình của công ty, nguyên nhân chủ yếu là vì phải trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi đối với các công nợ quá hạn, cũng như đánh giá lại tài sản không tạo ra doanh thu.

Hay như Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã cổ phiếu VCG), trong văn bản giải trình cho biết lợi nhuận sau thuế trước và sau soát xét giảm 20%, tương ứng giảm 192 tỉ đồng. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do tăng trích lập dự phòng khoản phải thu quá hạn thu hồi và chi phí khắc phục thiệt hại liên quan đến việc thi công gói thầu số 06 đường cao tốc Đà Nẵng – Quãng Ngãi.

Theo một kiểm toán viên đang làm việc tại Big 4, đặc thù của mỗi loại hình doanh nghiệp sản xuất hay tổ chức tài chính có kiểu trích lập dự phòng và ghi nhận lợi nhuận khác nhau, được quy định cụ thể theo các chuẩn mực kế toán. Tuy nhiên, việc hạch toán vào báo cáo tài chính như thế nào là phụ thuộc phần lớn vào ý chí của ban điều hành công ty.

Về mặt bản chất của trích lập dự phòng, nếu giá các loại tài sản này tăng lên lại vào cuối kỳ, doanh nghiệp lại được hoàn nhập khoản đã trích lập, tức lợi nhuận cuối kỳ tăng trở lại, khi đó nghiễm nhiên trở thành khoản lợi nhuận bất thường.

Tất nhiên, phần lợi nhuận bất thường lúc nào cũng giúp “tô vẽ” cho cổ phiếu tại thời điểm đó. Do đó, các nhà đầu tư khi đánh giá cổ phiếu, cần phải biết được doanh nghiệp đang ghi nhận lãi từ hoạt động nào, đánh giá lại tài sản hay là hoạt động cốt lõi, để từ đó có những quyết định đầu tư phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới