Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao ô tô điện Trung Quốc vẫn vắng bóng trên đường phố châu Âu?

Khương Quang Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất và thị trường ô tô lớn nhất thế giới, và nay nhờ vị thế thống lĩnh toàn cầu về ô tô điện các tập đoàn ô tô của quốc gia này đã quyết định tấn công vào thị trường châu Âu. Nhưng các ô tô mang thương hiệu Trung Quốc vẫn vắng bóng trên các nẻo đường châu Âu.

Ô tô Trung Quốc tại Paris Motor Show.

Tại Paris Motor Show vào tháng 10-2022, một nửa số ô tô điện được trưng bày là của Trung Quốc. Sự thay đổi công nghệ đã mang đến cho Trung Quốc một cơ hội tấn công thị trường châu Âu bằng cách tận dụng lợi thế về giá xe của mình. Dù các rào cản kỹ thuật (chất lượng động cơ đốt trong và các tiêu chuẩn khí ô nhiễm) không còn nữa, việc thâm nhập ô tô điện vào châu Âu vẫn còn là “tiềm năng”, vì hiện tại xe Trung Quốc vẫn vắng bóng trên đường phố châu Âu và sự xuất hiện ồ ạt của chúng dường như vẫn còn khá xa.

Thật ra các tập đoàn sản xuất ô tô Trung Quốc biết rằng việc thâm nhập vào một thị trường mới sẽ rất phức tạp, không bao giờ chinh phục được một thị trường nước ngoài bằng cách búng tay. Đây là lý do tại sao các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang xây dựng chiến lược của họ từng bước một.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chuẩn bị chinh phục châu Âu như thế nào?

Rút kinh nghiệm từ thất bại của đợt tấn công vào thị trường châu Âu năm 2009 vì sản phẩm còn yếu kém và thiếu chuẩn bị, không có chiến lược thích hợp, các công ty ô tô Trung Quốc tập trung vào vấn đề đáp ứng các yêu cầu và thị hiếu khách hàng châu Âu.

Khách hàng châu Âu đòi hỏi, về cơ bản xe phải an toàn, khả năng vận hành cao mà cụ thể là cảm giác lái tốt, độ rung và ồn thấp ở vận tốc cao, không thích hào nhoáng mà phải có chất lượng, và họ rất gắn bó với các thương hiệu truyền thống quốc gia.

Giá xe cũng là yếu tố quan trọng, nhưng khách hàng châu Âu chú trọng hơn sự đánh giá bằng giá trị (Value for money). Hiểu được điều này, các công ty Geely và SAIC đã dùng chiến thuật “ngựa thành Troye”.

Giá xe cũng là yếu tố quan trọng, nhưng khách hàng châu Âu chú trọng hơn sự đánh giá bằng giá trị (Value for money). Hiểu được điều này, các công ty Geely và SAIC đã dùng chiến thuật “ngựa thành Troye”, bằng cách năm 2000 Geely mua Volvo của Thụy Điển, rồi Volvo lập chi nhánh sản xuất ô tô điện Polestar và chi nhánh sản xuất và phân phối Lynk&Co. Năm 2007, SAIC cũng mua thương hiệu MG của Vương quốc Anh. Các mẫu xe MG, Polestar và Lynk&Co phù hợp với thị trường châu Âu hơn các xe SAIC, Geely và BYD,... Thương hiệu MG đứng thứ sáu trong số các loại xe điện bán chạy nhất ở châu Âu năm nay và tạo nên bước đột phá đáng kể ở Vương quốc Anh.

Biểu đồ về lượng xe bán của thương hiệu Trung Quốc tại châu Âu cho thấy những thương hiệu thuần Trung Quốc chỉ bán được vài trăm xe năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, ba thương hiệu đứng đầu bảng là gốc châu Âu.

Chinh phục thị trường phương Tây trước hết để lấy tiếng?

Là một lực đẩy mạnh nhất của công nghiệp ô tô thế giới với lượng sản xuất và tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới từ năm 2009, nhưng vì sao Trung Quốc vẫn chưa thâm nhập được vào thị trường các nước phương Tây?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các tập đoàn Trung Quốc chưa dồn nhiều đầu tư vào các thị trường này vì nó không nằm trong chiến lược phát triển toàn cầu của họ. Từ hơn thập niên qua, họ ưu tiên đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa trước khi tính đến phát triển quốc tế. Và ưu tiên sau đó là các nước kinh tế mới nổi, với thị trường có tiềm năng phát triển rất cao so với Mỹ và châu Âu.

Thị trường Mỹ và châu Âu là những thị trường trưởng thành nên không còn tiềm năng tăng trưởng nhiều và hiện đã “đầy ứ” những thương hiệu và mẫu xe đủ sức đáp ứng những khách hàng khó tính và những tiêu chuẩn về an toàn và môi trường cao nhất thế giới. Do đó đầu tư vào những thị trường này đòi hỏi vốn không thấp mà rủi ro lại rất cao. Trong bối cảnh này, các tập đoàn Trung Quốc vào thị trường các nước phương Tây, trước mắt, là chỉ lấy tiếng chứ không lấy lời.

Ngày 25-12-2021, hãng xe VinFast đã tổ chức lễ xuất xưởng và bàn giao lô ô tô điện đầu tiên tại nhà máy Hải Phòng. Gần một năm sau, ngày 25-11-2022, 999 chiếc xe điện VinFast, từ cảng MPC - Hải Phòng, lên tàu để bán trên thị trường Mỹ, và cùng lúc có nhiều đội xe khác được đưa vào các thị trường châu Âu như Đức, Pháp,... Chọn cách “tấn công” nhanh và mạnh vào các thị trường khó nhất thế giới, với giá bán tương đương với những hãng xe nổi tiếng trên thị trường, có lẽ mục tiêu của Vinfast trong những năm trước mắt là tập trung vào xây dựng danh tiếng thương hiệu và tạo dựng niềm tin của thị trường, hơn là tìm kiếm lợi nhuận, để chuẩn bị cho các bước phát triển trong tương lai.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ô tô là sản phẩm công nghiệp của nền văn minh. Nó chiếm một tỷ lệ lớn trong đầu tư và chi tiêu của mỗi người. Nó cũng là sản phẩm ứng dụng nhiều kỹ thuật, tạo nhiều công việc thu nhập ổn định. Các quốc gia lớn, phát triển phải có công nghiệp ô tô và ngược lại. Trung quốc đã thấy rõ vấn đề và họ đang làm rất tốt khi cả thế giới chuyển đổi ô tô xanh. Trong việc chiếm lĩnh thị trường thì nước nào chiếm được nhiều thì có ưu thế về quy mô và giá cả. Lịch sử thế giới đã trải qua các cuộc độc chiếm, thôn tính thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới