Thứ Bảy, 29/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao thiếu nguồn điện mới đáng phải mổ xẻ

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Công Thương về quản lý và điều hành cung cấp điện của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), và đơn vị liên quan, đã chỉ ra hai nguyên nhân mấu chốt dẫn đến tình trạng thiếu điện trầm trọng ở miền Bắc trong thời gian vừa qua: EVN chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện, cũng như chậm khắc phục sự cố tổ máy một số nhà máy nhiệt điện, làm giảm khả năng cung cấp điện; vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các nguồn điện tại nhiều thời điểm(1).

Thiếu điện do thiếu nguồn là điều đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, trong khi phần chìm mới đáng phải mổ xẻ. Cụ thể hơn, vì sao các dự án nguồn và lưới điện lại chậm đầu tư, hoàn thành? Lý do gì khiến cho việc huy động các nguồn điện tại nhiều thời điểm mất cân đối? Và quan trọng hơn là ai phải chịu trách nhiệm cho những bất cập đó và liệu có khả năng giải quyết nhanh để sự việc này không tái diễn nữa hay không? Đây đều là những vấn đề nằm ngoài khả năng giải quyết của EVN.

Như chúng ta đã biết, EVN cũng như hai nhà sản xuất điện hàng đầu khác là tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), đều là những doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, tuy là chủ đầu tư của các dự án nguồn và lưới điện, nhưng các doanh nghiệp này không có quyền tự quyết trong một loạt vấn đề quan trọng liên quan đến tiến độ đầu tư, mà phụ thuộc vào nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác ở cả trung ương và địa phương. Còn với vấn đề huy động các nguồn điện, dù EVN là người mua nhưng cũng không có quyền định đoạt về giá cả và đây chính là lý do vừa qua không thể huy động nhiều nguồn điện gió, trong khi thị trường lại đang thiếu điện.

Tình trạng thiếu điện hiện nay là hệ quả tất yếu của nạn chậm tiến độ của một loạt dự án nguồn và lưới điện lớn. Điều đáng nói là nguy cơ này đã liên tục được cảnh báo trong suốt 3-4 năm qua, nhưng vẫn không được giải quyết rốt ráo. Tình hình trì trệ đến mức trong nghị quyết được ban hành vào tháng 11-2022, Quốc hội phải yêu cầu làm rõ trách nhiệm của việc 13 dự án, chuỗi dự án năng lượng bị chậm tiến độ, trong đó có những dự án nguồn điện rất lớn như Điện khí Ô Môn, Điện khí Cá Voi Xanh…

Có thể nói, việc để cho hàng loạt dự án điện chậm tiến độ kéo dài qua nhiều năm là một trong những biểu hiện rõ nét của nạn đùn đẩy trách nhiệm, không dám nghĩ và không dám làm, vốn đã âm ỉ trong nhiều năm qua nhưng chỉ được mổ xẻ nhiều trong thời gian gần đây. Tác động tiêu cực của việc thiếu điện, dẫn đến phải cắt điện luân phiên ở miền Bắc, đối với nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân, cũng phần nào cho thấy tác hại của nạn đùn đẩy trách nhiệm có thể lớn cỡ nào.

Việc “kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý hoặc kiến nghị xử lý với Hội đồng thành viên EVN, các cá nhân có liên quan”, theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Công Thương, có khả năng sẽ không ngăn ngừa được tình trạng thiếu điện tái diễn nếu các bộ, ngành và địa phương có liên quan tới quy trình đầu tư xây dựng, vận hành các dự án điện không nhiệt tình giải quyết rốt ráo các khó khăn cho chủ đầu tư, mà cứ tiếp tục đùn đẩy hoặc lặng im. Đây mới là điểm then chốt cần kiểm điểm và giải quyết.

(1) https://vnexpress.net/bo-cong-thuong-evn-van-hanh-he-thong-mat-can-doi-gay-thieu-dien-4628238.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Một quan chức cấp trên của EVN nói rằng năm 2022, EVN lỗ là do giá mua điện cao từ các công ty con, các công ty nhiệt điện tư nhân rồi bán giá thấp nên lỗ. Nhưng năm 2021, EVN lãi to. Người dân chúng tôi thắc mắc năm nào cũng bán ra cùng một giá điện , chẳng lẽ giá mua điện năm 2022 cao hơn giá mua điện năm 2021 nên lỗ , ai chịu trách nhiệm duyệt giá này . Chẳng lẽ hợp đồng mua bán điện năm nào cũng ký, ưu tiên cho các công ty con và tư nhân có lãi, còn thiệt hại thì EVN chịu, ảnh hưởng tới đồng vốn của nhà nước. Rồi ai chịu trách nhiệm cho việc thiệt hại này .

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới