Việc gì có lợi cho dân thì nên làm
TS Võ Duy Nghi
GrabCar, là loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải mới. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) - Grab, Uber là loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải mới, sử dụng phần mềm quản lý để điều hành vận tải. So với taxi truyền thống, Grab và Uber có giá cước rẻ vì tiết kiệm được chi phí quản lý. Các hãng taxi truyền thống thường tốn chi phí rất lớn để đầu tư xe, xây dựng trụ sở, bến bãi, nuôi bộ máy quản lý; ngược lại Grab hoặc Uber tốn chi phí rất ít vì sử dụng nguồn lực bên ngoài xã hội (out sourcing).
Đầu tiên là các dịch vụ này đã tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi của xã hội, tạo điều kiện cho xe cá nhân có thể làm kinh tế, kiếm thêm thu nhập trong lúc nhàn rỗi. Người sử dụng dịch vụ cũng được hưởng lợi vì giá rẻ, dịch vụ tốt. Ngoài ra, người dân thích sử dụng dịch vụ này vì họ yên tâm với giá cước cố định bất kể lái xe đi tuyến đường nào. Khác với taxi truyền thống, một số lái xe thường có tâm lý chạy theo tuyến đường mình thích, càng xa càng tốt để tăng thêm cước, đặc biệt khi họ gặp những hành khách không thông thuộc tuyến đường, không phải là người địa phương.
Mặt khác, phần mềm Grab, Uber có thể lưu trữ các thông tin về danh tính người lái xe, số xe, tuyến đường… nên trong trường hợp có vấn đề về chất lượng dịch vụ hoặc thất lạc hành lý, hành khách có thể tự mình truy cứu. Trong khi đó, đối với taxi truyền thống khách hàng phải thông qua hệ thống tổng đài để nhờ truy cứu và đôi khi thông tin không chính xác (trừ một số ít hãng taxi lớn cũng đang trang bị phần mềm).
Chính vì những tiện lợi đó mà Chính phủ đã đồng ý cho phép Grab được thí điểm hoạt động ở 5 tỉnh thành trong cả nước. Người dân hồ hởi đón nhận Grab và Uber vì được sử dụng dịch vụ tiện lợi, nhanh chóng và giá rẻ. Tuy nhiên, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi Chính phủ (Công văn số 9670/UBND-SGTVT ngày 25-11-2016) kiến nghị chưa cho phép thí điểm dịch vụ Grab tại Đà Nẵng với lý do ảnh hưởng đến quy hoạch hoạt động vận tải taxi của thành phố do tăng số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Trong khi Chính phủ chưa có văn bản chấp thuận, thì ngày 3-3-2017 Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng có văn bản (Công văn số 57/CV-BATGT) gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Công An thành phố đề nghị kiểm tra, ngăn chặn, xử phạt các hoạt động của Grab.
Xét dưới góc độ pháp lý văn bản của Ban An toàn an giao thông liệu có đủ thẩm quyền để chỉ đạo các sở ngành thực hiện các vấn đề liên quan đến việc đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp? Lẽ ra người quyết định cuối cùng là UBND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên trong khi thành phố đang chờ ý kiến của Chính phủ thì Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng lại ra một quyết định có thể nói là vượt thẩm quyền đối với một cơ quan tham mưu về an toàn giao thông.
Về mặt lợi ích, các doanh nghiệp taxi truyền thống không muốn có đối thủ mới tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, khi có đối thủ mới họ buộc phải chấp nhận cuộc chơi và cạnh tranh sòng phẳng bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá cước. Vì vậy, chính quyền không nên dùng biện pháp hành chính đối với Grab và Uber để tránh bị hiểu nhầm là đang bảo hộ cho doanh nghiệp taxi địa phương. Việc cần làm của chính quyền địa phương là quản lý chặt chẽ hoạt động của Grab và Uber, tránh gian lận, thất thu về thuế. Cũng cần xem xét lại mức thuế đang áp dụng đối với hoạt động của Grab và Uber để tạo sự công bằng trong kinh doanh. Còn xét trên bình diện cả nền kinh tế, việc doanh nghiệp tận dụng nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội để tránh lãng phí và cung cấp dịch vụ có lợi cho người dân là việc làm đáng khích lệ.
“Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”, thiết nghĩ đó là phương châm hành động của bộ máy công quyền.