Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Viễn cảnh chạy xe với tốc độ… đi bộ?

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tôi thường đi làm bằng xe đạp từ 7 năm nay. Nhà tôi cách cơ quan khoảng 6 km, đi xe đạp mất 20 - 25 phút, không khác gì nhiều so với những hôm đi làm bằng xe máy. Tuy nhiên, những lúc giao thông ùn tắc, xe đi chậm hơn rất nhiều, đôi khi không hơn tốc độ đi bộ và càng về sau càng trầm trọng hơn.

Gần một tháng qua, dư luận xã hội, trong cộng đồng mạng, trên báo chí... đã có ý kiến tranh luận khá nhiều về những lý do kẹt xe, ùn tắc giao thông, với tần suất càng lúc càng nhiều hơn, nhất là các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội. Lý do về chuyện ùn tắc thời điểm này được nêu ra như là gần Tết Nguyên đán nên mật độ xe cộ tham gia lưu thông tăng cao hơn lúc bình thường; do Chính phủ ban hành nghị định tăng mức phạt vi phạm hành chính về giao thông; rồi các trụ đèn tín hiệu bị trục trặc, hoặc cho phép hay không cho phép quẹo phải khi đèn đỏ…

Nhưng có một nguyên nhân mang tính căn cơ, kéo dài hàng chục năm qua và ngày càng thể hiện rõ nét nhưng ít ai nhắc tới, đó là lượng xe ô tô, xe máy ở các đô thị lớn, điển hình như TPHCM, đã tăng lên quá nhanh, vượt mức tăng của chiều dài hay diện tích đường giao thông. Nói theo cách nói của các nhà quản lý ngành giao thông là "kết cấu hạ tầng giao thông bị quá tải, vượt năng lực thông hành, dẫn tới kẹt xe thường xuyên xảy ra".

Mặc dù không có con số chính thức nhưng trên báo chí cho thấy TPHCM hiện có khoảng 9 triệu xe mô tô, xe máy và hơn 1 triệu xe ô tô, chưa kể khoảng chừng 2 triệu xe ô tô, xe máy vãng lai của các tỉnh vào thành phố. Như nhiều người ước lượng, với hơn 1 triệu xe ô tô này thì mỗi ngày có tối thiểu 10%, tức khoảng 100.000 xe tô tô, tham gia lưu thông. Để di chuyển an toàn, thông thoáng và không gọi là ùn tắc thì các các xe ô tô cần cách nhau trên 100 mét, có nghĩa 100.000 xe tham gia lưu thông cần 10.000 km đường. Cứ xem đường 2 chiều và mỗi chiều có 1 làn dành cho ô tô thì chiều dài đường giao thông đô thị dành cho ô tô phải 5.000 km.

Tương tự, 9 triệu xe máy cùng cả triệu xe máy vãng lai thì hàng ngày cũng có ít nhất 1 triệu xe máy trên đường và cũng cần 10.000 km (tối thiểu hai xe máy cách nhau 10 mét). Và cũng với đường 2 chiều, mỗi chiều có 1 làn dành cho xe máy thì chiều dài đường giao thông cần có để tạm gọi là thông thoáng phải tới 5.000 km.

Tuy không có con số thống kê chiều dài đường giao thông ở TPHCM nhưng trong nhiều bài báo trong năm qua, các quan chức ngành giao thông cho rằng mật độ đường giao thông trên địa bàn TPHCM hiện là 2,4-2,5 km/km2, điều này cho phép tạm tính toàn thành phố hiện có 5.000 km đường giao thông đô thị (không tính đường sắt, đường thủy).

Như cách tính ở trên của người viết, hàng ngày lượng xe ô tô, xe máy tham gia lưu thông muốn thông thoáng, không kẹt xe hay di chuyển chậm thì cần 10.000 km đường, trong khi thực tế hiện tại chỉ đáp ứng một nửa. Điều này có nghĩa, giả sử thành phố cấm hoàn toàn xe máy, chỉ cho xe ô tô lưu thông thì chiều dài đường giao thông cũng đã đến ngưỡng kẹt xe, không nơi này thì nơi khác hoặc tùy theo giờ cao điểm hay thấp điểm. Tương tự, nếu thành phố cấm hoàn toàn xe ô tô, chỉ cho phép lưu thông xe máy thì vẫn có khả năng xảy ra kẹt xe cục bộ.

Nên với số lượng ô tô và xe máy như hiện nay thì không kẹt xe mới là chuyện bất thường, còn kẹt xe là... chuyện bình thường hàng ngày, không nơi này thì nơi kia, không lúc này thì lúc khác.

Trong một tài liệu Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đô thị lớn như TPHCM thì mật độ đường giao thông phải là 10-13,3 km/km2, có nghĩa mật độ đường giao thông hiện tại chỉ trên dưới 20% so với nhu cầu.

Cũng theo sở này thì trung bình mỗi năm, thành phố chỉ phát triển được 150-200 km đường giao thông, có nghĩa trong 5 năm tới, đường giao thông của thành phố tăng lên được 6.000 km và càng ngày càng khó mở đường. Giả sử lúc đó lượng xe như hiện nay, không hề tăng thêm, thì kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe.

Trong khi đó, Công an TPHCM cho biết, trung bình trong 3 năm qua, lượng xe ô tô đăng ký mới hàng năm tăng hơn 8%, xe máy tăng 3%. Như vậy, với giá xe ô tô ngày càng rẻ, xe ô tô điện ngày một nhiều, thì tới năm 2030 có khả năng thành phố có 1,5 triệu chiếc ô tô cũng là bình thường.

Viễn cảnh TPHCM có 1,5 triệu xe ô tô, 10-11 triệu xe máy trong vài năm tới rất thực tế. Lúc đó, tốc độ di chuyển xe máy, xe ô tô trong thành phố sẽ không khác đi bộ là mấy. Và, với khoảng cách 6 km từ nhà người viết đi đến cơ quan, thời gian di chuyển không phải là 20-25 phút đạp xe hay chạy xe máy như hiện nay, mà là 40-50 phút, tương tự như đi bộ. Lúc đó, có khả năng các quận trung tâm sẽ thường xuyên kẹt xe kéo dài hơn hiện nay; thông thoáng hay di chuyển chậm chạp may ra là ở huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới