Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Viên ngọc nơi miền đá xám Đồng Văn

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mấy năm trở lại đây, Po Mỷ là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh sản vật bản địa của tỉnh Hà Giang. Đằng sau nó còn là câu chuyện thú vị của một vùng cao nguyên đá.

Lưu Thị Hòa sinh năm 1992, tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, bố là người Cờ Lao, mẹ là người Pu Péo. Những tưởng nhận được công việc tốt, lương cao sau khi tốt nghiệp khoa Quốc tế học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì Hòa sẽ trụ lại ở Hà Nội nhưng cô cuối cùng đã bỏ phố... về rừng.

Mật ong bạc hà của Po Mỷ. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Đó là năm 2017. Hòa nhớ lại: “Về quê và khởi nghiệp là một quyết định khá bất ngờ với bản thân tôi. Khi ấy, tôi quá mệt mỏi với những bon chen, xô bồ nơi phố thị, tôi thèm cảm giác sống hòa mình với thiên nhiên, hít hà không khí trong lành và trở về với những nét văn hóa truyền thống vùng cao. Rồi những chuyến giải cứu nông sản từ quê nhà ra Hà Nội đã khiến tôi nhận ra một Hà Giang đất đai màu mỡ nhưng người dân còn chưa biết khai thác, sản xuất nông nghiệp còn manh mún và rất khó tìm thị trường tiêu thụ. Thêm vào đó, một câu nói của anh cán bộ huyện Đồng Văn: ‘Quê hương đã sinh ra em, giờ là lúc em quay trở về cống hiến cho quê hương’ đã giúp tôi thêm quyết tâm”.

Nghĩ nhanh, làm gọn

Nghĩ nhanh, làm gọn, chỉ hơn một tháng sau vào tháng 10-2017, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ ra đời với tám thành viên, đều là người Mông.

Po Mỷ tiếng của người địa phương là “viên ngọc” – viên ngọc sáng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Hòa mong muốn rằng Po Mỷ sẽ trở thành một doanh nghiệp tiêu biểu vì cộng đồng và sẽ giúp đỡ thật nhiều cho bà con dân tộc tại địa phương.

Sản phẩm đầu tiên của Po Mỷ là mật ong bạc hà, và cho tới bây giờ mật ong bạc hà vẫn là sản phẩm chủ lực của hợp tác xã. Có rất nhiều lý do, theo Hòa, mật ong bạc hà là món quà tinh túy, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người mà thiên nhiên riêng tặng cho người dân Hà Giang.

Sản xuất mật ong bạc hà là nghề truyền thống, gắn với văn hóa bản địa Hà Giang, góp phần tạo kế sinh nhai cho người dân. Nhưng điều khiến Po Mỷ chọn mật ong bạc hà là vì muốn đưa đến tay người tiêu dùng loại mật ong bạc hà gốc, chất lượng khi mà khắp nơi tràn ngập mật ong bạc hà giả.

“Câu chuyện về sản phẩm của Po Mỷ khá đặc biệt, tôi thuyết phục người mua và làm thương hiệu không chỉ đi vào chất lượng sản phẩm, mà còn gắn liền với câu chuyện về văn hóa và con người bản địa.

Mật ong bạc hà Po Mỷ được khai thác tại cao nguyên đá Đồng Văn, bởi những người con cao nguyên đá có nhiều năm kinh nghiệm được truyền từ đời này qua đời khác. Họ là những người am hiểu nhất về ong và hoa bạc hà để làm ra những giọt mật ong bạc hà mang tinh hoa của núi rừng cao nguyên đá, với một hương vị rất riêng, rất đặc biệt”, Hòa nói.

Tạo chuỗi cung ứng

Ở nơi địa đầu tổ quốc, khó khăn vất vả nhất chính là việc đi lại vì địa bàn xa xôi cách trở. Địa hình với đa số là đường núi, có những vùng nguyên liệu cách đường cái đến 40-50 ki lô mét đã gây nhiều trở ngại cho Hòa trong việc vận chuyển và quản lý chất lượng hàng hóa.

Người dân tộc lại có tâm lý ngại thay đổi và khá khó thuyết phục. Bởi vậy nên khi làm việc với họ, Hòa gặp vô vàn khó khăn. Để thuyết phục được họ thì phải cho họ thấy được thành quả, và cô lăn xả vào làm cùng với họ như những người trong gia đình.

Cũng có một may mắn, cha mẹ cô cũng là những người có uy tín; chính quyền địa phương lại ủng hộ nên dần dần Hòa tạo được lòng tin với người dân địa phương và họ đã đồng ý hợp tác với cô.

Cây bạc hà ở cao nguyên đá Hà Giang là cây mọc dại. Khi tiết trời se lạnh, những bông hoa màu tím dịu dàng vươn lên trời xanh, mùi thơm pha lẫn cay cay, hăng hăng đặc trưng lẫn vào thảm cỏ kim, cỏ voi, gốc ngô, len vào khe đá tai mèo xám... tạo thành bức tranh đa sắc trên các triền núi đá vôi xám trắng quyến rũ loài ong đến hút mật. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Tuy nhiên, kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng. Ngoài mật ong bạc hà, những sản phẩm khác với Hòa đều là những bài toán khó, bởi như cô tự thú là “chưa có nhiều kiến thức về nông nghiệp nhưng lại lao vào sản xuất, xây dựng hệ thống trồng rau an toàn… để rồi chỉ thấy toàn rau hư”.

Trong năm tháng đầu tiên, hợp tác xã bị thua lỗ, vốn cạn kiệt. Hòa tạm thời chuyển từ sản xuất sang bao tiêu sản phẩm, chỉ nhập sản phẩm của bà con về bán và dành nhiều thời gian để dự các cuộc hội thảo, hội chợ triển lãm khắp các tỉnh, thành trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm.

“Quay trở lại, chúng tôi bắt đầu kêu gọi các thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn cùng liên kết sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đồng thời giải quyết vấn đề đầu ra ổn định. Từ đó, nhận định đúng hướng đi cho hợp tác xã”, Hòa nhớ lại.

Tính đến nay, Po Mỷ đã có năm sản phẩm đó là: mật ong bạc hà, mật ong cỏ kim, quả lê, rượu vang lê, sâm khoai, phở sâm. Tri thức bản địa, văn hóa bản địa được Hòa tỉ mỉ đưa vào sản phẩm, từ bao bì bên ngoài đến nguyên liệu và cách làm đều dựa vào công thức truyền thống của người dân tộc thiểu số địa phương.

Hòa đi nhiều nơi, tìm nhiều kênh phân phối sản phẩm, đến các hội chợ triển lãm, kết nối tiêu thụ nông sản, mở các nhóm bán hàng trên mạng xã hội, kênh trực tuyến. Sau năm năm, sản phẩm của Po Mỷ đã có mặt ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam.

Hòa vui mừng khoe: “Một doanh nghiệp Nhật Bản nhìn thấy tiềm năng từ củ sâm khoai nên đã đặt hàng Po Mỷ xuất khẩu sản phẩm phở sâm làm từ sâm khoai với số lượng khoảng 150 tấn”.

Mô hình du lịch gắn với tài nguyên bản địa

Từ việc chìu lòng khách xa muốn đi mua mật ong và được ngắm cảnh đẹp, gặp gỡ người địa phương, học được tri thức bản địa độc đáo, Hòa cũng đã phác họa Po Mỷ trong tương lai với mô hình kinh doanh farmstay - du lịch nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa. Theo Lưu Thị Hòa, đây là hình thức kết hợp giữa ba lĩnh vực, gồm du lịch, nông nghiệp và văn hóa.

Trong đó, sẽ chú trọng việc bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người của Hà Giang, như Cờ Lao, Pu Péo, Mông… Thông qua dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng về mọi mặt như: thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển; tạo việc làm ổn định cho người dân...

Lưu Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ, tâm sự khi quyết định trở về quê và khởi nghiệp, cô không có gì ngoài tình yêu quê hương và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ.

“Tôi vốn nghĩ rằng con đường phía trước đầy chông gai, nhưng thực ra không phải. Đúng như có người đã nói, nếu bạn yêu thương một thứ gì đó thì chắc chắn sẽ nhận được sự báo đáp bất ngờ, tôi cũng khá bất ngờ khi nhận được vô vàn sự giúp đỡ, không chỉ của người thân, mà còn của những người xa lạ, thậm chí chưa một lần gặp mặt. Bởi vậy ngoài một số sự cố do thiếu kinh nghiệm ra thì cơ bản tôi thấy con đường khởi nghiệp của mình khá êm đềm, cho đến nay cũng gọi là có một chút thành tựu nho nhỏ”, Hòa nói.

“Cứ đi rồi sẽ đến” là câu nói sẽ chẳng bao giờ sai, quan trọng là bạn lựa chọn bước tiếp hay dừng lại trước những chông gai thử thách và thái độ bạn lựa chọn khi đối mặt với khó khăn ra sao.

Hiện nay Po Mỷ có tám lao động thường xuyên và 20-50 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân của người lao động là 4,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng năm của Po Mỷ đạt khoảng 2 tỉ đồng. Nhưng ông Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND Huyện Đồng Văn, tâm đắc nhất là Lưu Thị Hòa luôn khao khát trao giá trị, lan tỏa năng lượng sống tích cực và mong muốn các bạn thanh niên dân tộc thiểu số khác cũng mạnh dạn khởi nghiệp từ chính nguồn tài nguyên bản địa. Thành công của hợp tác xã Po Mỷ vì thế càng thêm ý nghĩa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới