Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư, kinh doanh lâu dài

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan; Tập đoàn Heineken Global và tọa đàm với một số doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan. Ảnh: TTXVN

Liên đoàn giới chủ Hà Lan (VNO-NCW) – một tổ chức đại diện cho khoảng 160 hiệp hội và 115.000 doanh nghiệp thành viên, với hơn 80% doanh nghiệp quy mô vừa của Hà Lan và đa số các tập đoàn lớn, Chủ tịch của VNO-NCW đề nghị thúc đẩy, tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Hà Lan và Việt Nam, nhất là các lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như logistics, nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm, cảng biển...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của VNO-NCW trong thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn Hà Lan đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam nhiều năm qua. Thủ tướng cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ để các doanh nghiệp Hà Lan tin tưởng, đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi với Tổng giám đốc Heineken Toàn cầu, đánh giá cao kết quả đầu tư kinh doanh của hãng bia lớn nhất thế giới tại Việt Nam. Đến nay, Liên doanh Heineken-Satra đã đầu tư 1 tỉ đô la, vận hành 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên trực tiếp, tạo ra hơn 150.000 việc làm gián tiếp và trong vòng 10 năm tới, dự kiến đầu tư tiếp 500 triệu đô la.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam khuyến khích Heineken phát triển xanh, giảm tối đa tiêu hao nước, năng lượng, đẩy mạnh tái chế rác thải và hướng tới tiếp tục sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, bền vững trong quá trình đầu tư, kinh doanh, tiếp tục đóng góp cho công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, xem xét đề xuất của Heineken, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế để Heineken yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có cuộc tọa đàm, giải đáp các băn khoăn của một số doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan.

Ông Dolf van den Brink - Tổng giám đốc Heineken Toàn cầu mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam bền vững phù hợp cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, và đề nghị thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp, đề xuất một số nội dung liên quan đầu tư điện mặt trời…

Lãnh đạo Tập đoàn hàng hải Boskalis cho rằng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hải hàng đầu thế giới, đề nghị Chính phủ Việt Nam nghiên cứu thiết lập khuôn khổ pháp lý về khai thác cát trên biển bền vững. Boskalis có thể hỗ trợ tư vấn chính sách trong lĩnh vực này.

Ông Arnout Damen, Giám đốc điều hành Damen Shipyards Gorinchem công bố dự kiến đầu tư thêm 100 triệu đô la trong lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam, đồng thời mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giao thông giảm phát thải carbon. Ông cũng đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Giám đốc tập đoàn sơn AkzoNobel, ông Maarten de Vries đề cập vấn đề sở hữu trí tuệ, việc đầu tư cho lĩnh vực logistics và cho biết sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là một nước đang phát triển, kinh tế đang chuyển đổi, nhưng phải làm những công việc như các nước phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nên Việt Nam kêu gọi cách tiếp cận công bằng, công lý với sự hỗ trợ của các nước phát triển.

Trong quá trình này, phải có hợp tác toàn cầu, đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, đồng thời lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị và xây dựng, phát triển nền công nghiệp năng lượng sạch.

Thủ tướng cũng nêu định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, trong đó có công tác quản lý nguồn nước bền vững. Việt Nam mong muốn hợp tác với Hà Lan xây dựng các cảng biển, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Tổng hợp

1 BÌNH LUẬN

  1. Động thổ Cảng Liên Chiểu hôm nay, nhân nói TpHCM thúc đẩy kết nối Lào vì Lào là nơi có đất màu mỡ, “khí hậu tốt như Đà Lạt”. Rất tốt, xin mời TpHCM đến đầu tư khai phá Lào. Nơi đó chính là cao nguyên Boloven mà bắt đầu từ biên giới Việt – Lào tại huyện Đắc Chưng sát huyện Nam Giang Quảng Nam kéo dài đến tỉnh Pakse giáp biên giới Lào – Thái, nằm trên trục Hành lang đông – tây 2 từ Đà Nẵng – cửa khẩu Nam Giang QNam – Lào (Sekong, Pakse) – Thái (Ubon, Băng Cốc) và mở rộng ra 2 đầu là kết nối Đông Bắc Á – Đà Nẵng – Lào – Băng Cốc – cảng Dawei Myanmar – Ấn Độ/ÂĐD.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới