Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam cần 368 tỉ đô la Mỹ để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo số liệu từ báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam, từ nay đến năm 2040, ước tính giá trị của các khoản đầu tư thêm để thích ứng và giảm nhẹ các tác động do biến đổi khí hậu tại Việt Nam gây ra là khoảng 368 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 6,8% GDP/năm. 

Một đợt hạn mặn tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: LÊ THẾ THẮNG.

Baochinhphu.vn cho biết, thông tin trên được nêu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" diễn ra ngày 19-3.

Tại diễn đàn, đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) chia sẻ, liên quan đến vấn đề khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có những cam kết trong việc hướng đến phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Do đó, việc hợp tác đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính là cần thiết.

Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra số liệu từ báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam cho biết, từ nay đến năm 2040, ước tính giá trị của các khoản đầu tư thêm để thích ứng và giảm nhẹ các tác động do biến đổi khí hậu tại Việt Nam gây ra là khoảng 368 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 6,8% GDP/năm.

Đặc biệt, 50% khoản chi phí này cần được đầu tư từ khu vực tư nhân trong những ngành chính như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sản xuất xanh.

Để làm được điều này, theo IFC, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư và các quy định pháp luật liên quan để khu vực tư nhân có thể tham gia vào tiến trình xanh của Việt Nam nhanh và đơn giản hơn.

Thời gian qua, nhiều phương án được đề ra để tiếp cận mô hình phát triển xanh và bền vững như đề ra chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và đề án phát triển kinh tế tuần hoàn.

Những nhiệm vụ xuyên suốt trong những phương án này là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh như việc sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường; ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội; đầu tư vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, giảm thiểu chất thải và khí thải…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới