(KTSG) - Tại buổi họp báo ngày 6-1-2024, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 3.692.100 tỉ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023; trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,4% so với năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể hơn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 20,62 tỉ đô la, chiếm 81,4% tổng vốn FDI thực hiện; kinh doanh bất động sản ước đạt 1,84 tỉ đô la, chiếm 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước đạt 1,07 tỉ đô la, chiếm 4,2%.
Tuy nhiên, tính toán từ bảng cân đối liên ngành (bảng I.O) của Việt Nam qua các giai đoạn cho thấy hầu hết sản phẩm cuối cùng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (trừ công nghiệp chế biến, chế tạo sản phẩm nông nghiệp, thủy sản) có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp nhưng lan tỏa đến nhập khẩu rất cao. Điều này phần nào cho thấy sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mang nặng tính gia công, lắp ráp. Việc “phấn đấu” để tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của nhóm ngành này cao mà không đi kèm với việc cải thiện chất lượng lan tỏa giá trị của ngành này đến các ngành khác trong nền kinh tế thì cũng như chỉ quan tâm đến số lượng mà xem nhẹ chất lượng tăng trưởng. Điều này có thể kìm hãm các nhóm ngành khác có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và nhập khẩu thấp phát triển.
Phải chăng đây là sự phân bổ ngược nguồn lực chính sách? Việc nguồn vốn của khu vực FDI cơ bản rót vào nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 81,4%) thực chất không phải là điều đáng để “vui mừng”. Phân tích cấu trúc kinh tế qua các bảng I.O của Việt Nam tất cả các giai đoạn từ 2006-2024 cho thấy sản phẩm cuối cùng của nhóm ngành nông, lâm và thủy sản; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và nhóm ngành dịch vụ có độ lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế cao và lan tỏa đến nhập khẩu thấp. Những nhóm ngành này nên là những nhóm ngành chìa khóa của nền kinh tế; Nhà nước cần tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực chính sách và khoa học công nghệ, đến những nhóm ngành này để nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Khi điều hành vĩ mô, ngoài chỉ tiêu GDP, cần quan tâm đến các chỉ tiêu quan trọng khác như thu nhập và chi trả sở hữu, tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và tiết kiệm của nền kinh tế. Khi xuất khẩu chủ yếu bởi khu vực FDI mà phía Việt Nam chỉ làm gia công, lắp ráp thì có thể làm tăng GDP trong ngắn hạn, nhưng cũng làm luồng tiền chảy ra nước ngoài tăng lên tương ứng và làm các chỉ tiêu rất quan trọng khác như GNI, NDI và tiết kiệm (chỉ tiêu phản ánh dài hạn) giảm sút.
Theo số liệu của TCTK(1), xuất khẩu của khu vực FDI năm 2010 chiếm khoảng 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đến năm 2024 tỷ lệ này khoảng trên dưới 74%. Theo tính toán từ bảng I.O, trong các yếu tố của cầu cuối cùng gồm tiêu dùng cuối cùng, tích lũy (đầu tư) và xuất khẩu thì xuất khẩu tuy lan tỏa cao đến sản lượng nhưng lan tỏa thấp và ngày càng thấp đến giá trị tăng thêm. Tính theo các giai đoạn, giai đoạn 2006-2011 cho thấy 1 đơn vị xuất khẩu lan tỏa đến sản lượng 1,03 đơn vị và lan tỏa đến giá trị tăng thêm 0,6 đơn vị; giai đoạn 2012-2017 thì 1 đơn vị xuất khẩu lan tỏa đến sản lượng 1,76 đơn vị và lan tỏa đến giá trị tăng thêm 0,56 đơn vị; còn đến giai đoạn 2018-2024 thì 1 đơn vị xuất khẩu lan tỏa đến sản lượng tăng lên 1,99 đơn vị nhưng lan tỏa đến giá trị tăng thêm giảm xuống còn 0,54 đơn vị. Trong khi đó, lan tỏa đến nhập khẩu của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng cao. Phải chăng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo mang nặng tính gia công, lắp ráp và tính chất này ngày càng rõ rệt. Điều đó phần nào do xuất khẩu của khu vực FDI - chủ yếu là sản phẩm gia công, lắp ráp - ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Hơn nữa, theo thông cáo báo chí của TCTK, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 25,35 tỉ đô la, ước tính theo số liệu trên trang web của TCTK về tổng thu nhập quốc gia (GNI) thì luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần thông qua chi trả sở hữu thuần (phần lớn do khu vực FDI thực hiện) năm 2024 khoảng 24,8 tỉ đô la (như vậy luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua khu vực FDI ước tính cũng trên 25 tỉ đô la) và tỷ lệ GNI/GDP từ 98,7% năm 2010 xuống còn khoảng 94%. Điều này cho thấy khi điều hành vĩ mô, ngoài chỉ tiêu GDP, phải chăng cũng cần quan tâm đến các chỉ tiêu quan trọng khác như thu nhập và chi trả sở hữu, GNI, thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và tiết kiệm của nền kinh tế. Chẳng hạn, khi xuất khẩu chủ yếu bởi khu vực FDI mà phía Việt Nam chỉ làm gia công, lắp ráp thì có thể làm tăng GDP trong ngắn hạn, nhưng cũng làm luồng tiền chảy ra nước ngoài tăng lên tương ứng và làm các chỉ tiêu rất quan trọng khác như GNI, NDI và tiết kiệm (chỉ tiêu phản ánh dài hạn) giảm sút.
Bản thân FDI không xấu nhưng nó lại trở thành một vấn lớn cho kinh tế Việt Nam nếu khu vực kinh tế này không có đóng góp thực chất vào quá trình lan tỏa công nghệ, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường.
Tóm lại, bản thân FDI không xấu nhưng nó lại trở thành một vấn lớn cho kinh tế Việt Nam nếu khu vực kinh tế này không có đóng góp thực chất vào quá trình lan tỏa công nghệ, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Qua những con số “biết nói” và phân tích ở trên, tăng trưởng FDI dường như là “bình phong tô vẽ” cho thành tích phát triển chưa thực chất trong suốt một thời gian khá dài ở nước ta. Điều này đặt ra nhiệm vụ cần phải cải cách thể chế kinh tế một cách căn cơ, toàn diện để thu hút FDI chất lượng cao trong thời gian tới. Đã đến lúc Việt Nam không thu hút FDI bằng mọi giá và cần có thái độ công bằng với các loại hình doanh nghiệp khác nếu chúng ta muốn hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao trong 20 năm tới.
(*) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội
(**) Viện Kinh doanh và Công nghệ FPT, trường Đại học FPT
(1) https://www.gso.gov.vn/px-web-
2/?pxid=V0905&theme=Th%C6%B0%C6%A1ng%20m%E1%BA %A1i%2C%20gi%C3%A1%20c%E1%BA%A3 2/?pxid=V0905&theme=Th%C6%B0%C6%A1ng%20m%E1%BA%A1i%2C%20gi%C3%A1%20c%E1%BA%A3