Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam có bao nhiêu người ‘siêu nghèo’?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Gần đây một tờ báo mạng đăng bài viết nhan đề “Việt Nam sẽ có hơn 1.500 người siêu giàu năm 2026”. Theo bài báo, năm 2016, Việt Nam có gần 600 người “siêu giàu”. Năm ngoái, con số này là hơn 1.200, và ước tính sẽ tăng lên hơn 1.500 sau bốn năm nữa.

Đối với số đông độc giả, thông tin bài trên báo đến đây là… hết, vì muốn xem thêm phải trả tiền. Nhưng chỉ ngần ấy cũng đủ gợi cho người viết sự tò mò muốn tìm hiểu về một chủ đề khác đối lập với nội dung bài viết trên. Đó là hiện Việt Nam có bao nhiêu người “siêu nghèo”, và đến năm 2026, thì “giới siêu nghèo” này sẽ ra sao.

Câu hỏi tưởng dễ trả lời này lại không dễ chút nào. Trước hết, thế nào là “siêu nghèo”. Vì không đọc tiếp nên người viết không rõ bài báo trên định nghĩa một người siêu giàu ra sao. Tuy nhiên, chắc điều này cũng không ngoài chuẩn chung đã được chấp nhận rộng rãi: người “siêu giàu” có tài sản giá trị trên 100 triệu đô la Mỹ (khoảng 2.300 tỉ đồng). Ngược lại, thế nào là một người “siêu nghèo” ở nước mình?

Đã từ lâu, chúng ta có tiêu chí để xác định người nghèo và người cận nghèo. Vậy người nghèo ở Việt Nam có thu nhập bao nhiêu và họ khác gì với người cận nghèo?

Tìm tiêu chí quốc gia để xác định người nghèo, hay chính xác hơn là hộ nghèo, trên mạng không khó. Chỉ vài thao tác gõ bàn phím là có thể tiếp cận được ngay thông tin qua các văn bản chính thức. Ngày 27-1-2021, Chính phủ ban hành một nghị định quy định “chuẩn nghèo đa chiều” cho giai đoạn 2021-2025(1). Sau khi đọc nghị định, người viết bài nghĩ rằng bằng cách dùng cụm từ “chuẩn nghèo đa chiều”, có lẽ người soạn văn bản muốn đề cập đến một loạt các tiêu chí đi kèm từ nhiều góc độ dùng để xác định hộ nghèo như thông lệ nhiều nước khác trên thế giới, chứ không đơn thuần chỉ dựa trên gạo hay tiền.

Theo nghị định của Chính phủ, hộ nghèo ở nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng dưới 1,5 triệu đồng và thiếu hụt từ ba “chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản” trở lên; còn hộ nghèo ở thành thị có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng thấp hơn 2 triệu đồng và thiếu từ ba chỉ số này trở lên. Tiếp theo, hộ cận nghèo là hộ có thu nhập tương tự như hộ nghèo nhưng chỉ thiếu dưới ba “chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản”, một khái niệm sẽ được giải thích rõ hơn bên dưới.

Theo phụ lục có tên “Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025” ban hành kèm theo nghị định nói trên, sáu dịch vụ xã hội cơ bản gồm (i) việc làm, (ii) y tế, (iii) giáo dục, (iv) nhà ở, (v) nước sinh hoạt, và vệ sinh, (vi) thông tin. Mỗi dịch vụ xã hội cơ bản lại được phân thành hai chỉ số nhằm đo lường mức độ thiếu hụt các loại dịch vụ này được xác định cụ thể bằng định nghĩa “ngưỡng thiếu hụt”.

Ví dụ, dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm gồm hai chỉ số đo lường, (1) việc làm với ngưỡng thiếu hụt được định nghĩa như sau: “Hộ gia đình có ít nhất một người không có việc làm (người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm); hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động”; và (2) người phụ thuộc trong hộ gia đình với ngưỡng thiếu hụt được định nghĩa như sau: “Hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Người phụ thuộc bao gồm: trẻ em dưới 16 tuổi; người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng”. Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm, xin tham khảo đường dẫn bên dưới(1).

Điều đáng mừng là tiêu chí xác định hộ nghèo thay đổi theo thời gian theo hướng tích cực hơn. Đọc lại tài liệu, chúng ta sẽ thấy Việt Nam đã thay đổi tiêu chí xác định hộ nghèo từ gạo sang tiền. Năm 1993, mức xác định hộ nghèo là 15 kí gạo/tháng/người ở nông thôn và 20 kí gạo ở thành thị. Từ năm 1998, “hiện vật” được thay bằng “hiện kim”, và từ năm 2000 đến nay, chuẩn nghèo được nâng lên mỗi 5 năm một lần.

Vậy Việt Nam có bao nhiêu người nghèo? Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê(2), Việt Nam có 26,8 triệu hộ gia đình tính tròn. Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ước tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75% và hộ cận nghèo còn 4%(3). Từ các con số này, có thể tạm tính số hộ nghèo tại Việt Nam là khoảng chừng 730.000 hộ và số hộ cận nghèo là khoảng 1 triệu hộ.

Trong số đó có bao nhiêu người nghèo, cận nghèo? Người viết không tìm được con số chính thức. Thôi thì lại tạm tính. Theo kết quả điều tra nêu trên, bình quân mỗi hộ có 3,5 người. Như vậy, làm một phép tính đơn giản sẽ cho biết Việt Nam có chừng 2,5 triệu người nghèo và chừng 3,5 triệu người cận nghèo. Xin nhấn mạnh ngay rằng tất cả các con số này chỉ là ước tính của người viết dựa trên thống kê trung bình để chúng ta tiện hình dung, không phải là thống kê chính thức.

Trở lại với chuyện có bao nhiêu người “siêu nghèo” ở Việt Nam. Trước đây, trước năm 1993, chúng ta còn phân biệt “hộ nghèo” và “hộ đói”. Nếu tạm chấp nhận “hộ đói” là “hộ siêu nghèo”, chúng ta có thể đưa ra con số này. Nhưng do trong điều kiện bình thường không có thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, Việt Nam không còn hộ đói, nên cũng khó xác định cụ thể “hộ siêu nghèo” như cách làm với “người siêu giàu”.

Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho biết chênh lệch thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 giữa nhóm thu nhập cao nhất (20% dân số có thu nhập cao nhất theo điều tra để thực hiện báo cáo này) so với nhóm thu nhập thấp nhất (20% dân số nghèo nhất) là tám lần(4). Cụ thể, thu nhập tháng bình quân đầu người của hai nhóm này lần lượt là 9,1 triệu đồng và 1,14 triệu đồng. Chênh lệch giàu-nghèo ở Việt Nam hiện nay chỉ có tám lần? Chắc nhiều người sẽ nghi ngờ con số đó.

Chúng ta không có các số liệu cụ thể để chứng minh chênh lệch đó đúng hay sai. Tuy nhiên, vài con số sau đây có thể làm chúng ta suy nghĩ thêm. Như đã nêu ở đầu bài viết, năm ngoái, Việt Nam có hơn 1.200 người siêu giàu với tài sản mỗi người hơn 100 triệu đô la Mỹ. So với thu nhập của một người thuộc nhóm thu nhập thấp nhất (1,14 triệu đồng/tháng hay 13,7 triệu đồng/năm), thì người này phải làm việc đến 169.000 năm, hay 6.700 thế hệ (mỗi thế hệ 25 năm) không hề ngưng nghỉ mới có được ngưỡng thu nhập này.

Dĩ nhiên, đây chỉ là chuyện nói cho vui, nhưng cũng để nhắc nhở chúng ta rằng đối tượng là người nghèo - đặc biệt là người “siêu nghèo”, hay những người nghèo nhất - vẫn rất cần sự giúp đỡ của chúng ta, của xã hội, để họ có thể tiếp cận dễ hơn với các phương cách, phương tiện giúp giảm nghèo. Hãy chìa cánh tay ra với người nghèo không phải chỉ khi họ lâm hoạn nạn mà ngay cả trong điều kiện bình thường, chúng ta - những người may mắn hơn về tài chính, nhất là người giàu - hãy làm những gì có thể để giúp đồng bào mình thoát nghèo.

Việt Nam có thêm người giàu, hay người siêu giàu, cũng là điều đáng mừng với điều kiện là sự giàu có từ của cải tích lũy được của họ không làm gia tăng bất bình đẳng. Ước gì khi số người siêu giàu năm 2026 tăng lên đúng như dự đoán, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam cũng giảm đi đáng kể về thực chất.

Cuối cùng, theo lẽ tự nhiên, giàu có là mong ước của mọi người, nên người ta thường quan tâm đến các câu chuyện của người giàu. Vì thế, ai muốn đọc bài viết nêu ở đầu bài thì phải trả tiền. Khác với bài viết đó, người viết bài bạn đang đọc không mong bạn sẽ trả tiền mà chỉ mong rằng sẽ có nhiều người đọc, chia sẻ ý tưởng của mình càng nhiều, càng tốt. Không chỉ chuyện về giới siêu giàu mới đáng cho chúng ta quan tâm. Chuyện hay về người nghèo, người “siêu nghèo” cũng đáng được như vậy.

Xin cám ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết khá dài này.

---------------

(1)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/nghi-dinh-07-2021-nd-cp-quy-dinh-chuan-ngheo-da-chieu-giai-doan-2021-2025-463908.aspx?_ga=2.145029107.617732216.1646341871-1659898392.1646276376

(2)http://www.tongdieutradanso.vn/thong-cao-bao.html

(3)http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=224563

(4)https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/05/Ket-qua-so-bo-KSMS2020.pdf

2 BÌNH LUẬN

  1. Xét theo chuẩn nghèo quốc gia hiện nay thì trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 200-260 ngàn đồng/tháng (10 ngàn đồng/ngày). Một con số có thể cho là “không tưởng” đối với tình hình bão giá như hiện nay. Gọi “siêu nghèo” chắc chắn vẫn là chưa đủ. Một con số không thể hình dung được.

  2. VD: một chiếc xe máy ở nước ngoài có giá thành tương đương 30 triệu đồng, vẫn là mẫu đó sản xuất ở VN khi đến tay người dân giá thành sẽ khoảng 45 triệu đồng. Còn nếu nhập trực tiếp mẫu xe đó từ nước ngoài về giá trị 30 triệu đồng x 3. Chỉ có người có tiền thì càng nhiều tiền, người dân bình thường nai lưng ra làm thì đủ ăn đủ nuôi gia đình là hạnh phúc rồi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới