Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam có tránh được bẫy lao động kỹ năng thấp?

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bẫy lao động kỹ năng thấp vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam phải tránh được tình trạng này trong giai đoạn dân số vàng vẫn đang tạo nên lợi thế về nguồn nhân lực.

Việt Nam đang là điểm đến hứa hẹn trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Báo cáo Asia Pacific’s Time: Responding to the new reality do PwC công bố cuối năm 2022 đề cập tới Việt Nam ở một chi tiết rất đáng lưu ý. Theo các nhà nghiên cứu, dù Việt Nam đang là điểm đến hứa hẹn trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng Việt Nam cũng đã tiến gần tới những giới hạn trong năng lực nhận chuyển giao.

Chẳng hạn, về vấn đề nhân lực, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2022 là 2,6% (số liệu được Tổng cục Thống kê Công bố là 2,21%), chưa bằng một nửa mức trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 5,7%. Tuy nhiên, từ góc nhìn đầu tư chiến lược, dường như tỷ lệ thất nghiệp thấp mang lại “niềm vui nội bộ” nhiều hơn là mức độ sẵn sàng cho một chu kỳ đầu tư với quy mô lớn hơn, chuyên sâu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Cánh cửa đang mở rộng khi Việt Nam được xác định là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bền vững của thế giới, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong lĩnh vực công nghệ cao, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đã đề xuất hợp tác với Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ chip và vật liệu bán dẫn; còn Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi.

Lợi thế nắm dự trữ lượng đất hiếm bằng một nửa Trung Quốc, đứng thứ hai toàn cầu là cơ sở để Việt Nam đạt được những thỏa thuận tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp khoáng sản này và những ngành liên quan. Nhưng dù có được các lợi thế chủ quan và khách quan, mảnh ghép không thể thiếu vẫn là nhân lực.

Về dư địa nguồn nhân lực, lao động phi chính thức đang chiếm khoảng hơn 65% trên thị trường lao động, nhưng vấn đề là, theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) năm 2019, 61% lao động phi chính thức Việt Nam chỉ có trình độ tiểu học.

Về chất lượng nguồn nhân lực, dù đã có sự cải thiện, năm 2022, lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp (thời gian học tối thiểu 300 giờ) trở lên mới đạt 26,1%. Thiếu nhân lực trình độ cao là chuyện dài bất tận từ khi Intel phải cất lời than không tuyển đủ nhân lực năm 2008 cho tới nỗi trăn trở của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khó mở rộng sản xuất vì thiếu cục bộ lao động có kỹ năng nghề nghiệp để phục hồi và sản xuất kinh doanh trong vài năm trở lại đây.

Lo ngại về “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi” (The low-skill, bad-job trap) đã được đề cập trong một nghiên cứu xuất bản năm 1994 của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Theo đó, khi có ít việc làm tốt, người lao động không được trả thù lao xứng đáng để đạt được kỹ năng. Ngược lại, khi một tỷ lệ lớn lực lượng lao động không có kỹ năng, các doanh nghiệp không có điều kiện tạo ra việc làm tốt. Hai yếu tố này tương tác lẫn nhau khiến nền kinh tế rơi vào “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi”.

Trong những bài giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh và Caribe thuộc Đại học California Berkeley năm 2012, nhà nghiên cứu người Mỹ Ben Ross Schneider dẫn trường hợp thành công của Phần Lan, nền kinh tế chuyển đổi thành công từ nền kinh tế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên sang ngành công nghiệp điện tử, cho rằng chiến lược nâng cao kỹ năng cho người lao động của nước này thành công nhờ đầu tư công lớn vào giáo dục và đầu tư tư nhân lớn vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Còn nhiều bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi để tìm ra con đường tránh khỏi vòng luẩn quẩn lao động kỹ năng thấp, thu nhập tồi. Trước mắt, để đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất, đặc biệt với những ngành công nghệ cao như công nghiệp chip và vật liệu bán dẫn, đầu tư trọng điểm vào đào tạo nhân lực để đáp ứng đủ nhu cầu của nhà đầu tư là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, có thể xây dựng các chương trình, chính sách phối hợp giữa khu vực công và tư trong đào tạo nhân lực; hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư nâng cao kỹ năng cho người lao động hiện hữu để đáp ứng nhu cầu mở rộng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới