(KTSG Online) - Trong khuôn khổ hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) tại UAE, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại, phát triển công nghiệp bền vững.
- WTO: Thương mại toàn cầu ngày càng phân mảnh
- Tổng giám đốc WTO cảnh báo có dấu hiệu ‘phân mảnh’ giữa Mỹ và Trung Quốc
Ngày 28-2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác của Việt Nam tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ của hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) lần thứ 13 (MC13), theo TTXVN.
Tại phiên thảo luận cấp bộ trưởng về thương mại và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh thời gian tới, WTO cần thể hiện rõ nét hơn về vai trò của mình để bảo đảm các chính sách của mỗi nước được ban hành phù hợp với nguyên tắc cơ bản, quy định hiện hành của WTO, không tạo ra sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong thương mại quốc tế.
Về thương mại và phát triển công nghiệp, bộ trưởng đã đề ra nhiều giải pháp liên quan như đề nghị WTO và các thành viên cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về tác động của những chính sách hỗ trợ công nghiệp dự kiến đưa vào diện điều chỉnh hoặc thay đổi do nhu cầu, mục tiêu phát triển của các nước đang và kém phát triển.
Đồng thời, các thành viên đánh giá về tính tương thích của các chính sách này với các quy định, nguyên tắc hiện hành, từ đó xác định và thống nhất được nguyên tắc điều chỉnh. Điều này vừa góp phần vào công cuộc thúc đẩy công nghiệp của mỗi nước vừa không tạo ra những tác động ngược chiều và cạnh tranh bất bình đẳng.
Cũng theo bản tin trên, trong phiên họp cấp bộ trưởng của các thành viên Nhóm Cairns (nhóm các nước xuất khẩu nông sản), bộ trưởng khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh các sáng kiến mới nhằm thúc đẩy đàm phán nông nghiệp vì lợi ích chung. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các thành viên khác của các nước xuất khẩu nông sản để đạt được những kết quả cụ thể, góp phần vào việc thúc đẩy tự do hóa thương mại nông sản.
Hội nghị cấp bộ trưởng WTO lần thứ 13 sẽ kéo dài đến ngày 29-2. Nội dung chủ yếu tập trung vào giải quyết một số vấn đề chính gồm trợ cấp khuyến khích đánh bắt thủy hải sản quá mức; cải cách để thị trường nông nghiệp công bằng và thân thiện hơn với môi trường; giải pháp khôi phục hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia...