Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam khởi động thị trường tín chỉ carbon

Sa Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường mua bán tín chỉ carbon đang dần nóng lên ở Việt Nam, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết đầy tham vọng rằng Việt Nam sẽ tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để tạo lập khung khổ pháp lý cho sự vận hành thị trường này, gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Trong dự thảo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Trong khi quỹ thời gian không còn dài, sẽ còn rất nhiều vấn đề liên quan đến năng lực kỹ thuật của các bên tham gia thị trường cần giải quyết.

Thị trường mua bán tín chỉ carbon - từ triết lý đến mô hình châu Âu

Dùng công cụ thị trường, thay cho các biện pháp áp đặt hành chính, nhằm khuyến khích doanh nghiệp phải hoạt động thân thiện với môi trường hơn là triết lý nền tảng từ đó tạo lập nền móng cho thị trường carbon. Tư duy cốt lõi ở đây là: nếu một doanh nghiệp phát thải nhiều hơn thì cần phải gánh chi phí kinh tế cao hơn. Do đó, nếu lượng phát thải được xem như một loại hàng hóa, và áp dụng mức trần phát thải thì doanh nghiệp sẽ có động lực để cắt giảm khối lượng khí nhà kính mình tạo ra. Càng phát thải nhiều thì doanh nghiệp càng phải trả chi phí lớn; và ngược lại, nếu phát thải ít đi, doanh nghiệp đó có thể “bán” phần “định mức phát thải dư thừa” của mình để kiếm lời. Như vậy, thay vì hô hào và kêu gọi, doanh nghiệp - bị chi phối bởi lợi ích kinh tế, sẽ quyết liệt hơn trong việc làm sao để phát thải ít đi. Thậm chí nếu doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sản xuất xanh, xả thải ít đi thì doanh nghiệp đó còn kiếm được thêm tiền. Như vậy, nếu một thị trường mua bán “quyền xả thải” có thể hoạt động hiệu quả, bài toán giảm phát thải có thêm một lời giải hữu hiệu.

Theo dự thảo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới hiện có hai loại phổ biến, là thị trường giao dịch bắt buộc và và thị trường mua bán tự nguyện. Châu Âu là nơi tiên phong trong tạo lập và vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon với mục tiêu kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính; cũng là nơi đầu tiên xây dựng và thực hiện thị trường mua bán carbon bắt buộc.

Mô tả một cách đơn giản thì Chương trình mua bán khí thải (ETS - emission trading scheme) là mô hình giới hạn lượng khí thải được phép phát thải và cho phép các bên phát thải được mua hoặc bán khối lượng phát thải nhất định (còn gọi bằng thuật ngữ Cap and Trade). Một tín chỉ carbon được quy ước tương đương với một tấn khí CO2 hoặc khí nhà kính. Toàn bộ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) bị bắt buộc tham gia chương trình được khống chế mức trần là về đơn vị carbon (hay là Cap). Mức trần này sẽ được giảm dần theo thời gian, nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Số lượng tín chỉ carbon được phép giao dịch nằm trong mức trần đó. Mỗi ngành công nghiệp, mỗi doanh nghiệp được ấn định “hạn ngạch” phát thải hàng năm nhất định; nếu vượt qua mức đó sẽ bị phạt. Do đó, để tránh bị phạt trong trường hợp vượt ngưỡng, họ phải mua lại “quyền” phát thải của các doanh nghiệp khác. Trong trường hợp không dùng hết hạn ngạch phát thải được cho phép, họ có thể bán lại cho doanh nghiệp khác đang cần. Đơn vị tiêu chuẩn để đo lường khối lượng phát thải, như đã nói, là một tấn carbon - tương đương với một credit. Sàn giao dịch - nơi các doanh nghiệp tiến hành mua bán tín chỉ carbon được gọi là sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Để vận hành được thị trường carbon, các thách thức về mặt kỹ thuật rất đáng kể. Từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, đến việc lựa chọn những ngành nào, doanh nghiệp theo tiêu chí nào bắt buộc tham gia thị trường. Các công đoạn mang tính kỹ thuật phức tạp hơn có thể kể đến như kiểm đếm phát thải; theo dõi, giám sát, báo cáo tiến trình mua bán...

Chương trình ETS hiện đang được thực hiện bắt buộc cho tất cả các quốc gia thuộc EU và Iceland, Lichtenstatain, Na Uy. Có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp ở các ngành phát thải chính, như năng lượng, sản xuất, hàng không... tham gia chương trình này. Khối lượng khí phát thải thuộc phạm vi ETS chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải của châu Âu.

Châu Âu là cũng là nơi đầu tiên thiết kế và đưa vào vận hành sàn giao dịch carbon, từ năm 2005 đến nay. Dựa trên kinh nghiệm châu Âu, nhiều khu vực khác bắt đầu học hỏi, xây dựng thị trường và tổ chức các sàn giao dịch.

Một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương cho biết, hiện tại có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã thực thi hoặc có kế hoạch xây dựng và thực thi thị trường carbon. Đến năm 2019, định giá thị trường carbon toàn cầu khoảng 45 tỉ đô la Mỹ.

Việt Nam và con đường phía trước

Sau cam kết mạnh mẽ tại COP26, việc ban hành Nghị định 06/2022 kể trên là bước đi đáng ghi nhận của Việt Nam. Tuy nhiên, để vận hành được thị trường này, trong bối cảnh quỹ thời gian thực thi không còn nhiều, các thách thức về mặt kỹ thuật vẫn là rất đáng kể. Từ những công việc ban đầu nhắm vào tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt Nam hiểu thị trường mua bán tín chỉ carbon là gì, rồi đến việc lựa chọn những ngành nào, doanh nghiệp theo tiêu chí nào bắt buộc tham gia thị trường. Các công đoạn mang tính kỹ thuật phức tạp hơn có thể kể đến như kiểm đếm phát thải; theo dõi, giám sát, báo cáo tiến trình mua bán.

Tất cả những vấn đề này đều còn rất mới mẻ với Việt Nam. Quyết tâm chính trị từ các lãnh đạo cao nhất, do đó, cần song hành với một kế hoạch hành động chi tiết ở cấp ngành. Và đương nhiên, đây không phải là việc riêng của Bộ Tài nguyên và Môi trường mà cần có sự chung tay của rất nhiều ngành khác.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới