(KTSG Online) - Chiều nay (30-11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định phân công 14 bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại TPHCM và 10 tỉnh phía nam.
Liên quan đến Omicron, chủng mới của virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện chưa phát hiện ca nhiễm có chủng này nhưng bắt đầu thực hiện một số biện pháp để ngăn ngừa.
- Đề xuất tạm dừng một số đường bay đến Việt Nam vì biến chủng Omicron
- Dịch Covid-19 tại TPHCM ở mức nguy cơ trung bình tính đến 25-11
Hỗ trợ chuyên môn hồi sức tích cực cho phía nam
Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các cơ sở y tế của TPHCM.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế của tỉnh Bình Dương. Bệnh viện Phổi Trung ương phụ trách hỗ trợ cho các cơ sở y tế của tỉnh Đồng Nai.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương hỗ trợ các cơ sở y tế của tỉnh Đồng Tháp. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên phụ trách hỗ trợ tỉnh Long An.
Bệnh viện Hữu Nghị hỗ trợ cho cơ sở y tế của tỉnh Tiền Giang. Bệnh viện K hỗ trợ tỉnh Kiên Giang. Bệnh viện E hỗ trợ cho cơ sở y tế của tỉnh Tây Ninh.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương phụ trách hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng. Bệnh viện Nhi Trung ương chịu trách nhiệm hỗ trợ các cơ sở y tế của tỉnh Vĩnh Long. Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ cho tỉnh An Giang.
Bộ trưởng Bộ TY tế yêu cầu các bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ như đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về giường bệnh.
Thêm vào đó là hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các cơ sở y tế để xác định những khó khăn, bất cập và đề xuất với ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương để khắc phục.
Cùng với việc thành lập trung tâm hồi sức tích cực cho người bệnh Covid-19, các bệnh viện cử người hướng dẫn chuyên môn, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo để nâng cao năng lực và giám sát chất lượng cấp cứu, điều trị người bệnh và nhiều việc khác.
Bộ Y tế làm việc WHO, CDC về biến chủng Omicron
Liên quan đến biến chủng Omicron, vào hôm nay (30-11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á và đại diện Chương trình an ninh y tế toàn cầu của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam để trao đổi thông tin.
Trong buổi làm việc này, đại diện WHO và CDC đều nhấn mạnh đến 4 yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron, gồm tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới; đẩy mạnh tiêm chủng.
Thêm vào đó là tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở nhằm nâng cao năng lực điều trị khi ca bệnh tăng cao và đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 với biến chủng mới nhưng đang phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC trong công tác phòng chống dịch và ứng phó với biến chủng Omicron.
Về điều trị, Bộ Y tế tế và các bên đã bàn bạc theo tinh thần tăng cường năng lực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, để đẩy mạnh mô hình điều trị tháp 3 tầng.
Hai ngày trước, Bộ Y tế cho biết đã đề xuất tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique cũng như tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia này ngăn chặn biến chủng này xâm nhập vào Việt Nam.
Cơ quan này cũng chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các nguồn dịch Covid-19 và yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới.