(KTSG Online) - Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Việt Nam mong muốn Nhật Bản tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt là đầu tư vào việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam nhằm phát triển năng lực sản xuất, chất lượng môi trường đầu tư, theo baochinhphu.vn.
- Khai thác dư địa hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU
- Thêm một tỉ đô la đầu tư phát triển 5 khu công nghiệp xanh tại Việt Nam
Theo baochinhphu.vn, tại diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản năm 2023 diễn ra vào sáng nay (15-2), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thông tin, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam, đối tác đứng vị trí thứ 2 trong lĩnh vực lao động và đứng vị trí thứ 4 về hợp tác thương mại.
Một số lĩnh vực hợp tác, đầu tư với Việt Nam bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…
Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đề nghị hai nước tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn nhằm đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng.
Hai nước sẽ tận dụng ưu thế của những hiệp định đã ký kết, trong đó, triển khai các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đặc biệt, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc đầu tư chuyển giao công nghệ cho Việt Nam nhằm phát triển năng lực sản xuất, chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chính phủ cũng mong rằng Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển các chiến lược trên nền tảng số, thực hiện các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.
TTXVN thông tin, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho biết hiện nay công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam với 3 phòng thương mại và công nghiệp, trong đó có hơn 800 hội viên tại Hà Nội. Số lượng doanh nghiệp là khoảng 200 đơn vị.
Theo một khảo sát về hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam do JCCI thực hiện, có khoảng 60% các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong tương lai, vượt mức tăng trung bình của ASEAN là 47%.
Việt Nam – Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2009 và trở thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình ở châu Á từ năm 2014.
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 12-2022, số dự án mà Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là gần 5.000 dự án còn hiệu lực. Tổng số vốn đăng ký gần 69 tỉ đô la Mỹ, đứng vị trí thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.