(KTSG Online) - Thời gian tới, Việt Nam mong muốn hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực nước này có thế mạnh và phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Bulgaria đưa hàng vào Việt Nam
- Chính sách nông nghiệp của Ấn Độ ảnh hưởng an ninh lương thực thế giới
Đây là phát biểu của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Gujarat lần thứ 10 diễn ra ngày 10-1 tại Ấn Độ, theo TTXVN. Trong bài phát biểu, Phó thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nội dung được thảo luận như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử, thành phố thông minh… Đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở này, Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác với Ấn Độ nói chung và với bang Gujarat nói riêng trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn của Ấn Độ đến đầu tư, hợp tác lâu dài.
Tại đây, ông đã nêu một số gợi ý chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển của những lĩnh vực này. Trong đó, các chính sách sẽ tập trung vào việc lập khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh; nguồn vốn đầu tư công từ chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, khuyến khích và thu hút được nguồn lực của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài; vận động các nước phát triển hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, quản trị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực…
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Tại diễn đàn, ông đề nghị hai bên trao đổi về cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế, thương mại giữa hai nước nói chung và hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Trên cơ sở đó, các bên đề xuất các sáng kiến, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tận dụng những thời cơ hợp tác, nhằm đưa quan hệ kinh tế hai nước ngày càng phát triển hơn. Những lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng để hợp tác có thể kể đến như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, công nghiệp phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…