(KTSG Online) - Ngày 17-1, Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã ký thỏa thuận song phương về việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa từ Việt Nam với 1 doanh nghiệp được ra khỏi phạm vi áp dụng thuế.
- Kim ngạch xuất khẩu của Đồng Tháp lần đầu tiên chạm mốc 2 tỉ đô la
- Người Việt mua gần 10.000 ô tô hybrid trong năm 2024
Bộ Công Thương vừa có thông tin về vụ việc giải quyết tranh chấp về thuế chống bán phá giá cá tra, basa tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), TTXVN đưa tin.
Vào ngày 17-1, tại Mỹ, Bộ Công Thương được ủy quyền của Chính phủ đã ký thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Việt Nam về lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá phi lê từ Việt Nam với Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).
Trước đó, ngày 8-1-2018, Việt Nam chính thức khởi kiện Mỹ vi phạm các quy định của WTO khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu vào thị trường nước này, vụ việc DS536.
Năm 2020, trong giai đoạn chuẩn bị cho phán quyết cuối cùng, Mỹ đã đề xuất với Việt Nam hoãn ban hành báo cáo để thương lượng một giải pháp song phương nhằm giải quyết vụ việc.
Theo đó, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện dỡ bỏ thuế theo quy định của Mỹ, được đưa ra khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu cá tra, cá basa vào nước này.
Đây là lần thứ hai Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại song phương để giải quyết tranh chấp tại WTO. Năm 20216, hai nước từng ký thỏa thuận song phương tương tự đối với sản phẩm tôm nước ấm, gỡ áp dụng thuế chống bán phá giá với một doanh nghiệp là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Thành công trong việc giải quyết vụ kiện cá tra, basa nhờ thiện chí và nỗ lực đàm phán của cả hai bên, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Việc Mỹ tôn trọng phán quyết của WTO càng khẳng định cam kết của nước này trong việc xây dựng một mối quan hệ hợp tác toàn diện và lâu dài với Việt Nam.