Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam nghiên cứu phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính phủ vừa có thông báo về việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Ngoài việc tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, Việt Nam cũng xem xét với điện hạt nhân như một nguồn bổ sung năng lượng cho phát triển kinh tế. Trong hình là Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: TL.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 412/TB-VPCP ngày 12-9-2024 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, theo Chinhphu.vn

Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt từ 12-15%/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống, nhất là cam kết với nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần đã cam kết là nhất định thực hiện.

Đồng thời, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Về Đề án thí điểm điện gió ngoài khơi, Bộ Chính trị đã có chủ trương cho thí điểm sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi tại Kết luật số 76-KL/TW ngày 24-4- 2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.

Đối với các vướng mắc pháp lý như quy định về sản lượng, chuyển giá, Chính phủ đề nghị nghiên cứu bổ sung vào các dự án luật bằng việc thành lập tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện và hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)... lần này.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hoạt động đầu tư nhà nước được tiến hành khi nhà nước thấy cần thiết và có đủ mọi nguồn lực đầu tư (vốn, công nghệ, nhân lực ..). Hoạt động đầu tư tư nhân xảy ra khi và chỉ khi nhà đầu tư thấy có lợi nhuận và cơ chế chính sách thông thoáng ưu đãi. Hiện tượng các dự án nhà máy điện trong quy hoạch bị chậm tiến độ và không có nhà đầu tư thể hiện một vấn đề quan trọng là cung không gặp cầu (giá điện, bao gồm cả giá điện nhập khẩu dự kiến chưa thực sự hấp dẫn và  đặc biệt quan trọng là xác định giá đúng thì mới thu hút được nhà đầu tư, tuy nhiên cần kiểm soát để không gây thiệt hại cho nhà nước và người dân khi giá điện quá cao) và chính sách (cơ sở pháp lý) hiện tại không thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Việc nhận ra quá chậm sự thiếu hụt đầu tư nguồn điện để điều chỉnh kịp thời cũng có một nguyên nhân là do bản thân ngành điện mà cơ quan quản lý là Bộ Công Thương đã không có một công cụ hữu hiệu là hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu hợp nhất để quản lý giám sát các hoạt động trong ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung, bao gồm tình trạng và tiến độ các dự án đầu tư trong quy hoạch, phải bị động chờ báo cáo từ các doanh nghiệp nhà nước và không có báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ từ khối doanh nghiệp tư nhân và chính quyền địa phương, do đó cần bổ sung tại Luật điện lực. Về nguồn điện nguyên tử quy mô nhỏ cũng cần xem xét vì có tính thuận lợi có khả năng bố trí gần trung tâm phụ tải, tuy vậy, công nghệ này chưa chín muồi và yêu cầu an ninh như công nghệ truyền thống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới