(KTSG Online) – Sau khi cân đối cho nhu cầu trong nước, nguồn lúa gạo hàng hoá còn lại có thể phục vụ xuất khẩu đang có dấu hiệu cạn kiệt trong một vài tháng tới. Điều này, liệu có dẫn đến kịch bản “sốt giá” như đã diễn ra trong những tháng cuối năm ngoái hay không, nhất là khi nhu cầu thị trường vẫn rất cao…
Số liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, kết thúc quí đầu năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,18 triệu tấn với trị giá tương đương gần 1,43 tỉ đô la Mỹ. Kết quả này tăng 17,6% về lượng và 45,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong quí đầu năm nay đạt 653,9 đô la Mỹ/tấn.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở thời điểm hiện nay, đó là thông tin báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, nguồn cung gạo hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu đang có dấu hiệu cạn kiệt…
Cạn gạo xuất khẩu trong tháng 5 và 6?
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị “Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quí đầu năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo thời gian tới” diễn ra vào hôm nay, 26-4, ở thành phố Cần Thơ, cho thấy tổng khối lượng gạo xuất khẩu Việt Nam cả năm 2024 dự kiến đạt khoảng 7,6 triệu tấn, giảm đáng kể so với kết quả kỷ lục của năm 2023 là khoảng 8,13 triệu tấn.
Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tổng lượng gạo hàng hoá có khả năng dành cho xuất khẩu (sau khi đã cân đối cho tiêu dùng trong nước) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 4,38 triệu tấn.
Tuy nhiên, ước tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt trên 4 triệu tấn. Trong đó, tháng đầu năm đạt mức 450.000 tấn, tháng 2 là 605.000 tấn, tháng 3 là 1,97 triệu tấn và tháng 4-2024 ở mức 1,025 triệu tấn.
Điều này có nghĩa, tổng khối lượng gạo còn lại có khả năng dành cho xuất khẩu trong tháng 5 và 6-2024 là rất ít, chưa đến 350.000 tấn, trong đó, lượng gạo hàng hoá dành cho xuất khẩu trong tháng 5-2024 ở mức chỉ 95.000 tấn. Đây là con số “khá khiêm tốn”, nhất là khi nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn...
Thực tế, như đã nêu ở trên, lượng gạo được doanh nghiệp xuất khẩu trong quí đầu năm 2024 đã tăng đến 17,6% trong quí đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn trong 6 tháng cuối năm nay, ông Hoà cho biết, ước tổng lượng gạo hàng hóa có khả năng phục vụ cho xuất khẩu sau khi cân đối cho nhu cầu trong nước là khoảng 3,22 triệu tấn. Trong đó, tháng 7 đạt khoảng 790.000 tấn, tháng 8 là 705.000 tấn, tháng 9 là 930.000 tấn và 3 tháng cuối năm lần lượt là 200.000 tấn, 340.000 tấn và 260.000 tấn.
Thị trường tiếp tục sôi động, "sốt giá" sẽ quay lại?
Xét về giá bán, quí đầu năm 2024, giá xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái- thời điểm Ấn Độ chưa ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng (Ấn Độ cấm xuất khẩu từ tháng 7-2023).
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong quí đầu năm 2024, giá xuất khẩu tăng thấp nhất cũng lên đến 25 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc gạo tấm có nguồn gốc từ Pakistan và cao nhất là 160 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc 5% tấm của Việt Nam.
Tuy nhiên tính chung các nước xuất khẩu gạo trên thế giới trong quí 1-2024, giá xuất khẩu bình quân đã tăng đến 134 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. “Tuy nhiên, so với 2 tháng đầu năm 2024, thì bước sang tháng 3-2024, giá xuất khẩu giảm bình quân 13 đô la Mỹ/tấn”, ông Nam cho biết.
Riêng Việt Nam, quí đầu năm 2024, dù lượng xuất khẩu tăng 17,6%, nhưng kim ngạch tăng đến 45,5%. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam quí đầu năm 2024 đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nếu so với quí cuối năm 2023, thì giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quí đầu năm 2024 đã giảm đáng kể. Bởi lẽ, bình quân giá xuất khẩu quí cuối năm 2023 của Việt Nam lên đến trên 664 đô la Mỹ/tấn, trong khi quí đầu năm 2024 là 653,9 đô la Mỹ/tấn. Đặc biệt, bình quân giá xuất khẩu gạo tháng cuối năm 2023 của Việt Nam lên đến trên 687 đô la Mỹ/tấn.
Theo ông Nam của VFA, thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới tiếp tục sôi động, bởi nhu cầu lớn từ các thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia, Malaysia cũng như các nước khu vục châu Phi và Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, theo ông Nam, xuất khẩu gạo nửa đầu năm 2024, sẽ vượt qua con số 4,3 triệu tấn. Điều này có nghĩa, lượng gạo xuất khẩu sẽ vượt qua con số khả năng về nguồn cung theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 đạt mức 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Điều này có nghĩa, thế giới thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm 2024 hay nói cách khác đây là yếu tố thuận lợi cho các nước xuất khẩu, trong đó, có Việt Nam.
Nếu con số được Bộ Nông nghiệp và Phát triển đưa ra như nêu ở trên là chính xác, trong khi nhu cầu thương mại gạo sắp tới vẫn dồi dào, thì liệu chuyện “sốt giá” trong bối cảnh nguồn cung hạn chế có lặp lại như những tháng cuối năm ngoái hay không?