(KTSG Online) – Việt Nam sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung cây sâm Việt Nam, bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và Lai Châu, đưa diện tích trồng sâm năm 2030 đạt khoảng 22.000 ha.
- Quảng Nam: đến 2023, tăng trưởng du lịch trở lại mức như trước dịch Covid-19
- Kinh tế Quảng Nam dần phục hồi một phần nhờ Năm du lịch quốc gia
Trong đó, diện tích sâm Ngọc Linh tại các tỉnh Quảng Nam, tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai là 21.200 ha và sâm Lai Châu là 800 ha.
Đây là một phần trong Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, được ông Vũ Thành Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, Tổng cục Lâm nghiệp, thông tin tại hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia” diễn ra vào chiều nay, 6-8, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Nam, ngày 4-8 vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản gửi các bộ, ngành và UBND 8 tỉnh lấy kiến góp ý dự thảo chương trình phát triển sâm này trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo dự thảo, sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (tương đương diện tích khai thác 1.000 ha/năm), có chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GMP - WHO hoặc tương đương.
Về chế biến, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, các cơ sở/nhà máy sơ chế và chế biến sâu sẽ được hình thành, gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi; phát triển khoảng 80-100 sản phẩm có tính cạnh tranh cao, mang thương hiệu quốc gia; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Cũng tại hội thảo, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác vận động thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh Việt Nam. Việc vận động thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh Việt Nam là cơ sở để bảo vệ nguồn giống sâm, phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia trong tương lai.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt "Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045".
Nếu được thông qua, đây sẽ là động lực để sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, phát triển xứng tầm và có cơ hội đưa sâm Việt ra thị trường thế giới.
Cẩn thận để không rơi vào quan điểm chỉ đạo quảng canh, lấy được, chạy đua kiếm tiền lẻ. Càng giao chỉ tiêu mở rộng diện tích trồng càng nhiều, càng gây ra nguy cơ rủi ro sinh thái tự nhiên lớn. Chưa kể ta tự đánh giá thấp giá trị sản phẩm của chính mình. Thực tế cho thấy sâm trồng của dân đã bị chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Tự nhiên là một hệ sinh thái cân bằng, cần có sự nghiên cứu cẩn trọng, nếu không, vì chạy theo số lượng ào ạt, quá tải mà ta gây hại cho chính mình. Mặt khác, công nghệ chế biến hiện nay là rất kém. Kể cả quảng bá tiếp thị xây dựng thương hiệu. Vậy nên cần một định hướng chiến lược chắc chắn, khoa học, không tham lam, nhưng hiệu quả bền vững, gìn giữ nguồn sống muôn đời cho người dân.