Việt Nam: thị trường quan trọng của HSBC
Thủy Triều
![]() |
Ông Sumit Dutta. |
(TBKTSG) - Nhân dịp ông Sumit Dutta chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông về chiến lược phát triển của ngân hàng trong giai đoạn sắp đến.
TBKTSG: Thị trường Việt Nam có phải là thị trường mới đối với ông?
- Ông Sumit Dutta: Tuy mới được chính thức bổ nhiệm vào vị trí này hồi tháng 5 vừa rồi, nhưng tôi không hề xa lạ với thị trường, nền kinh tế, con người cũng như những nét văn hóa truyền thống đặc sắc riêng biệt của Việt Nam vì tôi đã có gần ba năm làm việc tại đây.
Từ năm 2008, tôi đại diện cho HSBC làm thành viên trong Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), đối tác chiến lược của HSBC tại Việt Nam. Tôi đã sát cánh cùng HSBC Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội mở rộng hợp tác giữa hai ngân hàng.
Trước khi nhận công tác tại Việt Nam, tôi đã đảm nhận các vai trò quản lý cấp cao tại nhiều thị trường trên thế giới như Ấn Độ, Hồng Kông và Mỹ trong 17 năm gắn bó với HSBC. Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên tôi quay về làm việc sau hơn bốn năm công tác tại thị trường Mỹ.
TBKTSG: Hiện nay các biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát... tạo ra không ít áp lực cho các ngân hàng. Đó có phải là thách thức đối với ông và HSBC?
- Tình hình thị trường tài chính Việt Nam hiện không có nhiều thuận lợi, chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát... không chỉ ảnh hưởng đến HSBC mà đến tất cả các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam. Tôi ủng hộ các chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhằm đảm bảo một hệ thống ngân hàng vững mạnh, qua đó làm nền móng cho sự phát triển dài hạn và thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam.
Để phát triển tốt trong bối cảnh hiện nay, HSBC sẽ phải hoàn thiện hơn nữa các dịch vụ và sản phẩm của mình và đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ tài chính tận dụng tốt nhất sức mạnh nổi bật về kết nối của ngân hàng để liên kết khách hàng với các cơ hội kinh doanh, đầu tư và phát triển đầu tư trên toàn cầu.
Tầm vóc của HSBC hiện nay đặt ra nhiều áp lực về mặt quản lý và phát triển để duy trì vị trí ngân hàng nước ngoài dẫn đầu. Tuy nhiên, sự mở rộng của HSBC cũng đem lại nhiều lợi thế vì giờ đây tôi có thể đến gần với khách hàng của mình hơn, có thể đem đến cho khách hàng nhiều lựa chọn phong phú hơn với nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính chất lượng.
Từ năm 2007 đến nay, HSBC đã có những bước phát triển rất lớn. Hệ thống của HSBC Việt Nam từ hai chi nhánh, một văn phòng đại diện và 400 nhân viên ban đầu giờ đã lên đến 16 điểm giao dịch với hơn 1.700 nhân viên. Phạm vi hoạt động của HSBC không chỉ gói gọn trong hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM mà còn mở rộng ra nhiều trung tâm kinh tế khác như Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ và Đồng Nai. Sản phẩm của HSBC cũng đa dạng hơn rất nhiều cả về dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp. |
TBKTSG: Gần đây tập đoàn HSBC toàn cầu có công bố kế hoạch cắt giảm số lượng chi nhánh, phòng giao dịch. Điều này ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của HSBC tại Việt Nam như thế nào?
- Có thể nói đây là giai đoạn HSBC cơ cấu lại hoạt động trên toàn cầu. Chúng tôi có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các mô hình dịch vụ tài chính cá nhân hoạt động hiệu quả tại các thị trường mới nổi và có thể phát triển tốt dịch vụ quản lý tài sản.
Kế hoạch này có thể bao gồm cả việc tái cơ cấu nguồn lực và vốn đầu tư từ một số thị trường nơi chúng tôi không có quy mô hoạt động cũng như cơ hội phát triển kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung phát triển mạnh mảng dịch vụ tài chính doanh nghiệp, nghiệp vụ ngân hàng quốc tế, thị trường vốn và tiền tệ.
Chúng tôi cũng thể hiện rõ định hướng phát triển chung của cả tập đoàn là duy trì và củng cố vị trí dẫn đầu tại các thị trường mới nổi, lấy châu Á là thị trường trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển của cả tập đoàn. Chúng tôi đặt mục tiêu năm thị trường “tỉ đô la” tại châu Á với kỳ vọng mức lợi nhuận trước thuế tại mỗi thị trường Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Indonesia sẽ đạt hơn 1 tỉ đô la Mỹ trong trung hạn, cùng với Hồng Kông và Trung Quốc trở thành các thị trường “tỉ đô la”, góp phần vào sự tăng trưởng của HSBC trong khu vực.
Tôi khẳng định chiến lược phát triển mới được công bố gần đây của tập đoàn rất có lợi cho sự phát triển của HSBC tại Việt Nam. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Đây là một đất nước đang phát triển rất nhanh và HSBC giữ nguyên cam kết đầu tư vào thị trường này.
TBKTSG: Vậy chiến lược phát triển của HSBC tại Việt Nam sẽ như thế nào?
- Chúng tôi vẫn luôn khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng của HSBC. Mục tiêu của tôi và HSBC Việt Nam là quảng bá, hỗ trợ thị trường này phát triển nhằm đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chiến lược của tập đoàn.
Chiến lược này được thể hiện qua việc chúng tôi mở rộng hoạt động tại đây cũng như đưa vào thị trường những sản phẩm mới nhất, tăng chất lượng dịch vụ, số lượng khách hàng. Bên cạnh đó, HSBC sẽ tiếp tục phát triển tại thị trường này theo hai hướng phát triển nội tại và phát triển các mối quan hệ hợp tác chiến lược với Bảo Việt và Techcombank.
TBKTSG: Cụ thể đó là những hoạt động gì và sản phẩm như thế nào thưa ông?
- Cuối tháng 6 này, chúng tôi sẽ khai trương thêm một chi nhánh bên cạnh sở giao dịch chính tại TPHCM. Các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, dịch vụ thẻ tín dụng cũng đã được giới thiệu tại thị trường Việt Nam.
Với sự có mặt lâu đời tại thị trường Việt Nam, từ năm 1870, HSBC là ngân hàng ghi được nhiều cột mốc trong sự phát triển chung của thị trường tài chính Việt Nam như là ngân hàng nước ngoài đầu tiên giới thiệu máy và thẻ rút tiền tự động tại Việt Nam (máy ATM - 1996), ngân hàng nước ngoài đầu tiên giới thiệu sản phẩm vay tín dụng tiêu dùng (2001), ngân hàng nước ngoài đầu tiên thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (2009)... |
Vừa rồi Việt Nam là thị trường đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương được chọn để giới thiệu gói giải pháp tích hợp quản lý các khoản phải thu nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dòng vốn, dịch vụ tài trợ thanh toán đơn hàng cho khách hàng xuất nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro liên quan đến người bán và người mua.
Ngoài ra chúng tôi tiếp tục nỗ lực nâng cao hơn nữa vai trò cầu nối nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới và đưa các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam. Điều này sẽ được thực hiện dựa trên thế mạnh liên kết toàn cầu của HSBC nhằm nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đầu tư và quản lý tài sản tại châu Á.
Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho cam kết này của HSBC là sự kiện cuối tháng 5 vừa qua, HSBC đã đóng vai trò đầu mối liên kết với chi nhánh ngân hàng HSBC tại Pháp, Hồng Kông và một số ngân hàng quốc tế khác thực hiện hợp đồng tài trợ vốn cho thương vụ mua tám máy bay Airbus A321-231S của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) với tổng giá trị gói tài trợ lên đến 457 triệu đô la Mỹ, trong đó HSBC tài trợ 228,5 triệu đô la Mỹ.