(KTSG Online) - Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong 7 tháng qua, kim ngạch mặt hàng nhuyễn thể có vỏ như nghêu, ốc đạt trên 95 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.
- Xuất khẩu thủy sản tháng 7 tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm
- Xuất khẩu thủy sản đạt 4,4 tỉ đô la Mỹ
Cụ thể, xuất khẩu nghêu ước tính đạt 52 triệu đô la Mỹ, sò điệp đạt 14 triệu đô la Mỹ, ốc đạt 16 triệu đô la Mỹ, hàu đạt trên 8 triệu đô la Mỹ và các loại khác đạt gần 4 triệu đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu ốc có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất, hơn 57% so với cùng kỳ, TTXVN đưa tin.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngắm thuộc Vasep, cho biết trong thời gian vừa qua, nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu mặt hàng nhuyễn thể có vỏ Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có trên 41.500 héc ta nuôi các loại nghêu, sò, ốc với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, riêng nghêu đạt 179.000 tấn/năm.
Ngành chăn nuôi này đem lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 200.000 lao động, góp phần quan trọng vào kinh tế các tỉnh ven biển miền Tây. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng, đặc biệt là mặt hàng nghêu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh Trần Trường Giang, cho biết tỉnh có 800 héc ta diện tích nuôi nghêu thương phẩm nhưng năng suất đang giảm.
Nhiều chuyên gia cho biết, nhu cầu tiêu thụ nghêu, sò trên thế giới gia tăng đang tạo động lực cho ngành xuất khẩu sản phẩm này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chủ động để đảm bảo nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Rất nhiều thứ, sản phẩm, tưởng kém giá trị, thậm chí bỏ đi… Bây giờ lại có chỗ đứng trong ngôi vương xuất khẩu. Ví dụ, vỏ lúa (trấu), xơ mướp (từ lâu đã bị lời nguyền : nghèo xơ xác mướp ? )… Điều đáng mừng, cho dân ta. Nhưng đáng lo nhất, làm sao tạo được chỗ đứng trên thị trường một cách lâu dài, uy tín ?