Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi

Trần Lê Anh

Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi
Thực tế cho thấy Nhà nước hướng đầu tư công vào khu vực nông thôn, nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với các tập đoàn kinh tế quốc doanh. Ảnh chụp nông dân thu hoạch mía ở ĐBSCL. Ảnh: Duy Khương.

(TBKTSG) - 2011 là năm thế giới có nhiều biến động về chính trị, kinh tế và xã hội rất sâu sắc. Những biến động này vừa làm lộ rõ hậu quả của những diễn tiến đã và đang xảy trong nhiều năm qua và vừa khẳng định những xu hướng mới trên toàn cầu. Nắm bắt những điểm này là điều rất cần thiết trong việc định hướng đất nước hướng tới một giai đoạn phát triển mới tích cực hơn.

Một thế giới nhiều biến động

Về phương diện chính trị, ấn tượng nhất là làn sóng phản đối chống chính phủ ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông. Cho đến thời điểm này, ba chính phủ đã bị lật đổ (ở Tunisia, Ai Cập, và Libya) trong khi sự phản đối vẫn mạnh mẽ ở một số nơi khác, chẳng hạn như Syria. Có nhiều lý do dẫn đến phong trào trên, nhưng nổi bật nhất vẫn là sự hà khắc của giới cầm quyền, những bất công trong xã hội, nạn tham nhũng, và những khó khăn về kinh tế.

Ở một chừng mực nào đó, phong trào này cũng đã “hà hơi” cho phong trào “Chiếm phố Wall” ở Mỹ, bắt nguồn từ New York rồi lan rộng ra nhiều thành phố lớn khác. Ảnh hưởng kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã làm một bộ phận dân Mỹ rơi vào tình trạng khó khăn. Họ bất bình vì cảm thấy rằng tình trạng khó khăn của họ một phần là do những nhóm tài phiệt có ảnh hưởng chính trị gây ra. Do đó, “Chiếm phố Wall” là dịp để họ lên tiếng phản đối về sự bất bình đẳng giàu nghèo đang gia tăng trong xã hội cũng như sự lũng đoạn của những nhóm lợi ích và sự lúng túng của chính phủ trong việc tháo gỡ những bất cập của nền kinh tế.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn đang trên đà lan rộng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự vay mượn và chi tiêu quá trớn của chính phủ trong những năm trước đó. Trong những nỗ lực xoay xở tình hình, ngoài việc thương lượng những gói giải cứu, chính phủ các nước liên quan buộc phải đưa ra những kế hoạch cắt giảm chi tiêu khá mạnh tay. Việc này tất nhiên gây ảnh hưởng tiêu cực đến những chương trình phúc lợi xã hội cũng như làm trầm trọng thêm vấn đề thất nghiệp. Do đó, từ Hy Lạp đến Ý, nhiều người dân lại xuống đường phản đối chính phủ.

Những ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng là chủ đề thường được đề cập đến trong quan hệ quốc tế. Là một nước có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn trong việc cùng cộng tác với các nước để giải quyết các vấn đề có tính chất toàn cầu. Trung Quốc cùng các nước khác trong khối BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc) đã ngày càng có ảnh hưởng hơn trong tiến trình cải tổ các định chế quản trị toàn cầu theo hướng gia tăng sự tham gia của các nước đang phát triển vào quá trình ra quyết định để họ có thể theo đuổi các lợi ích của mình hữu hiệu hơn.

Tuy nhiên, với những tham vọng riêng của mình, Trung Quốc đang gây ra nhiều thách thức đối với siêu cường của thế giới (Mỹ) và các nước trong khu vực Đông Á. Trong lúc Mỹ bận rộn với hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan cũng như với những nỗ lực chống khủng bố trên toàn cầu thì Trung Quốc đã có những bước đi mạnh mẽ hơn trong khu vực. Do đó, để củng cố địa vị siêu cường của mình, Mỹ đang tập trung hơn nữa vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này phần nào được thể hiện qua những động thái gần đây của Mỹ, chẳng hạn như nỗ lực trong việc đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương và tuyên bố của Tổng thống Obama về kế hoạch gửi 2.500 binh sĩ Thủy quân Lục chiến đến đồn trú tại Úc (mặc dù đây là con số khiêm tốn nhưng nó được xem như là một bước đi tượng trưng khá mạnh khiến Trung Quốc phải suy nghĩ nhiều hơn). Một cách ngắn gọn và rõ ràng, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gọi thế kỷ 21 là Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ.

Những xu hướng chính

Từ những diễn biến toàn cầu quan trọng ở trên, có thể thấy những điểm trọng yếu sau đây. Một là, sự gia tăng bất bình đẳng là hiện tượng toàn cầu chứ không phải tập trung ở các nước đang phát triển. Nó phần nào cho thấy rằng tiến trình toàn cầu hóa, mặc dù đã giúp nhiều người trên thế giới thoát khỏi tình trạng nghèo tuyệt đối, đã làm nặng thêm tình trạng kẻ mất người được có khuynh hướng gây bất ổn xã hội nhiều hơn.

Hai là, tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô vừa khó lường hơn vừa có sức lan tỏa nhanh hơn. Thủ phạm chính của hiện tượng này là sự thiếu trách nhiệm của chính phủ cộng với sự chi phối của giới tài phiệt toàn cầu.
Ba là, người dân ở nhiều nơi trên thế giới ít ngần ngại hơn trong việc phản đối những bất công và áp bức trong xã hội. Họ trở nên hữu hiệu hơn phần lớn nhờ vào sự sử dụng những kỹ thuật truyền thông hiện đại, trong đó gồm có cả các mạng xã hội trên Internet, trong cuộc tranh đấu của mình.

Bốn là, trước tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên, các quốc gia buộc phải tìm mọi cách để xoay xở đối phó. Theo đây, ngoài sự tranh giành, các nước phải tìm mọi cách để đưa ra những sáng kiến và phát minh mới nhằm sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững hơn. Do đó, xu thế cạnh tranh toàn cầu sẽ là cạnh tranh dựa trên sức sáng tạo và khả năng tích lũy vốn con người.

Năm là, với sự trỗi dậy của một số nước đang phát triển, xu hướng hướng tới một thế giới đa cực có phần rõ nét hơn. Trước diễn tiến này, các cường quốc sẽ vừa cạnh tranh để chiếm (hoặc cố giữ) một địa vị có sức ảnh hưởng toàn cầu và vừa hợp tác để giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.

Ứng xử cho Việt Nam

Vậy Việt Nam nên ứng phó như thế nào trong một bối cảnh thế giới mới? Trước hết, cần phải nhìn nhận rằng vì độ mở của nền kinh tế, thực tiễn địa chính trị, và những thay đổi trong xã hội của mình, Việt Nam ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ tất cả những xu hướng mới của toàn cầu như đã nêu. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức. Vấn đề quan trọng là biết tận dụng cơ hội và biến thách thức thành cơ hội để đẩy mạnh đất nước phát triển theo hướng bền vững, công bằng và dân chủ hơn.

Cơ hội tương đối dễ thấy nhất là Việt Nam đang nằm trục tăng trưởng (khu vực Đông Á) của nền kinh tế thế giới. Điều này có nghĩa là triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh giao thương, điều chỉnh luật lệ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, và tham gia vào mạng lưới sản xuất trong khu vực được nâng cao. Nhưng để có thể tận dụng triệt để cơ hội này trong khi giảm thiểu các tác động tiêu cực thì cần phải có những chính sách đúng đắn. Quan trọng nhất vẫn là đấu tranh với tham nhũng và thúc đẩy dân chủ trong quy trình làm chính sách để có thể ngăn chặn bớt sự thao túng của các nhóm lợi ích.

Bên cạnh đó, tình trạng phân hóa giàu nghèo đang gia tăng ở Việt Nam cần phải được giải quyết. Muốn xã hội vững mạnh hơn, Việt Nam cần đặc biệt xây dựng một tầng lớp trung lưu ngày càng lớn. Đây là lực lượng chính để thúc đẩy phát triển một nền kinh tế quốc dân vững mạnh, có khả năng giảm bớt các tác động khủng hoảng đến từ bên ngoài, và một xã hội dân chủ.

Chi tiết hơn, trước hết cần phải chiến lược hóa lại cơ cấu đầu tư công. Nhà nước cần hạn chế trút vốn vào những ngành công nghiệp làm ăn thiếu hiệu quả và đang có xu hướng lỗi thời. Thay vào đó, nên hướng nguồn vốn này để thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn bằng cách xây dựng các cơ sở hạ tầng trọng yếu, đầu tư vào giáo dục (đặc biệt là các trường dạy nghề phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế), và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân vay vốn nhằm phát triển công việc của họ.

Trước sự gia tăng của dân số cũng như những ảnh hưởng của thay đổi môi trường và khí hậu, vấn đề an ninh lương thực càng trở nên quan trọng hơn. Theo đây, cần duy trì tốt diện tích đất canh tác nông nghiệp và hạn chế tình trạng biến đất canh tác thành các khu công nghiệp và khu giải trí (chẳng hạn như sân golf) một cách bừa bãi thiếu hiệu quả kinh tế. Đất dành cho các khu này phải là đất không còn (hoặc ít có) khả năng canh tác nông nghiệp có hiệu suất.

Hơn nữa, các hoạt động kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến cuộc sống sản xuất của người nông dân (có thể thấy qua các ví dụ như những dòng sông bị ô nhiễm và tác hại của một số ngành khai khoáng) cần phải được xử lý nghiêm minh. Những luật lệ về bảo vệ môi trường cần phải được thực thi rốt rào và điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển xanh và sạch của thế giới.

Mở rộng ra hơn, luật pháp nói chung cần phải thật sự là công cụ để xây dựng một xã hội văn minh hàm chứa những tính chất như tôn trọng tự do, dân chủ, yêu chuộng công lý, khuyến khích sáng tạo, tương thân tương ái, và yêu chuộng hòa bình. Khi làm được như vậy, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa khi kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp dựa trên những luật lệ quốc tế. Một nước Việt Nam văn minh với một hệ thống pháp lý phù hợp với trào lưu tiến bộ của nhân loại thì tất nhiên sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trên trường quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới