Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam-Trung Quốc tăng cường chống hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đề xuất thời gian tới Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin trong việc phòng chống hàng giả, nhất là với lĩnh vực thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Việt Nam-Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác về quản lý thị trường. Ảnh minh họa là các gian hàng trái cây sấy khô, một trong những loại thực phẩm được mua bán nhiều giữa 2 nước. Ảnh : Lê Vũ

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết mới đây, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã có cuộc tiếp xã giao và Hội đàm với Phó Cục trưởng (cấp Thứ trưởng) PU Chun (Bồ Thuần) và đoàn công tác của Tổng cục Quản lý giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong kiểm tra, quản lý, giám sát liên quan đến lĩnh vực quản lý thị trường.

Lãnh đạo Tổng cục Giám sát quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc mong muốn được giao lưu, hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam cũng như Tổng cục Quản lý thị trường Việt Nam, đặc biệt trong việc tăng cường giám sát, quản lý về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Việc này sẽ thể hiện ở việc nhập khẩu thực phẩm và nông sản phục vụ ăn uống, tạo điều kiện cho thực phẩm và nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, tạo điều kiện để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc phát triển lâu dài và ổn định. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng đề xuất tăng cường kết nối, giao lưu giữa hai cơ quan, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy việc giám sát và quản lý thị trường của hai nước phát triển hiệu quả.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đề xuất, thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin trong việc phòng chống hàng giả, nhất là với lĩnh vực thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhu cầu mua hàng trên mạng, nhất là mặt hàng liên quan đến thực phẩm, thực phẩm đặc thù, thực phẩm chức năng của người dân là rất lớn; trong khi đó, việc kiểm định, kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng sản phẩm tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, ông Trần Hữu Linh cũng mong muốn hai bên sớm triển khai việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tăng cường việc trao đổi, chia sẻ thông tin để mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực quản lý thị trường.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 175,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỉ đô la, tăng 3,2%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỉ đô la, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỉ đô la, tăng 10,2%.

Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới