(KTSG) - Thời điểm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã rất gần. Các hội thảo, họp bàn về chủ đề này liên tục diễn ra trong hai tuần qua. Dẫu vậy vẫn chưa có thông tin chính thức từ cấp có thẩm quyền về việc Việt Nam có tham gia cuộc chơi này hay không, khiến cộng đồng doanh nghiệp FDI bất an và bị động.
- Bài toán cân bằng lợi ích các bên giữa ‘làn sóng’ áp thuế tối thiểu toàn cầu
- Thu hút FDI trước bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Khoảng 90 tập đoàn bị ảnh hưởng
“Gần đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi bàn về kế hoạch đầu tư đã đặt câu hỏi: Nếu không phải Việt Nam thì là nước nào?”, ông Son Won Sik, thành viên Ban điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) nói trong hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức chiều 24-4-2023.
Sự dao động của các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt nguồn từ việc thuế tối thiểu toàn cầu, một sáng kiến của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhằm ngăn chặn cuộc đua xuống đáy trong cạnh tranh thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế, sẽ được nhiều quốc gia áp dụng từ đầu năm 2024.
Đến nay 163 quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã đồng thuận với giải pháp của OECD. Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro (tương đương 870 triệu đô la Mỹ hoặc 19.500 tỉ đồng) trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty đang hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại nước đặt trụ sở chính. Theo nguyên tắc đã công bố, các quốc gia có thể không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhưng buộc phải công nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu mà quốc gia khác áp dụng.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết phần lớn các nước có đầu tư ra nước ngoài sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%). Trong đó, có các nước, vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Các nước nhận vốn đầu tư nước ngoài cũng đang nghiên cứu chính sách ứng phó, tránh việc các công ty phải nộp thuế bổ sung về nước mà công ty mẹ đóng trụ sở chính; đồng thời tìm kiếm giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các công ty mới.
“Ở Việt Nam, trước mắt có khoảng 90 tập đoàn chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết “đây là dữ liệu mới nhất, dựa trên quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022”. Phần chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu và thuế thực tế của 90 tập đoàn này ước tính từ 10.000-20.000 tỉ đồng trong năm 2024. Số tiền này các tập đoàn hoặc sẽ phải nộp về quốc gia có công ty mẹ nếu nước này áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hoặc sẽ nộp vào ngân sách Việt Nam nếu Việt Nam tham gia cuộc chơi của OECD.
Dù nộp về đâu thì các tập đoàn cũng bị “thiệt hại” phần thuế chênh lệch đó. “Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế các doanh nghiệp được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực trong nhiều trường hợp”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, giải thích. Chính bởi lợi ích sát sườn đó, cộng đồng doanh nghiệp FDI đặc biệt quan tâm đến việc Việt Nam có áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hay không và có phương án nào hỗ trợ, bù đắp cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.
“Chúng tôi nghe nói Việt Nam có tham gia”
Sáng kiến của OECD được thông qua vào tháng 10-2021. Lác đác từ giữa năm 2022, thuế tối thiểu toàn cầu được nêu ra bàn thảo ở nước ta. Tới tháng 8-2022, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu được thành lập; nhưng phải tám tháng sau, tức là giữa tháng 4-2023, quy chế tổ chức và hoạt động của tổ công tác này mới được ban hành. Xen giữa khoảng thời gian này, không có nhiều cuộc họp bàn chính thức về thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó, thách thức về thời gian để tìm kiếm giải pháp là rất lớn khi chỉ còn tám tháng quý giá để hành động, vừa giữ quyền đánh thuế, vừa bảo đảm chủ trương thu hút “đại bàng” tới làm tổ, đầu tư.
Tại phiên họp ngày 10-4-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “sốt ruột” vì thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề cấp bách, cần có hành động chính sách, sửa đổi nội luật để tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức nhưng Chính phủ không có đề xuất nào trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024. Người đứng đầu Quốc hội cho rằng, tìm đối sách cho thuế tối thiểu toàn cầu là việc căn cơ trong giai đoạn hiện nay và sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những vấn đề căn cốt để thích ứng. “Luật này dứt khoát phải làm!”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ. Nếu không làm có nghĩa chúng ta từ bỏ quyền đánh thuế bổ sung và năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thu hút vốn FDI sẽ bị tác động rất nặng nề.
Liền sau đó, các chuyển động liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu mới diễn ra sôi động hơn. Bộ Tài chính tổ chức một hội thảo quy mô lớn, thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức tư vấn thuế và đại diện một số doanh nghiệp FDI lớn đang hoạt động tại nước ta như Samsung, Canon, Bosch..., cùng thảo luận về kinh nghiệm áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của các quốc gia, đánh giá tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp với các công ty kiểm toán về các đánh giá, khuyến nghị của OECD liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng tổ chức một diễn đàn mở, có các chuyên gia của OECD tham gia trực tuyến, để tìm kiếm các khuyến nghị và giải pháp.
Trong cuộc gặp nhà đầu tư nước ngoài cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD. Ông cho biết Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới. Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp FDI vẫn bất an vì chưa có thông tin chính thức từ cấp có thẩm quyền về việc Việt Nam có tham gia cuộc chơi thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 hay không. “Chúng tôi nghe nói Việt Nam sẽ áp dụng nhưng không biết có đúng vậy không?”, ông Son Won Sik, đại diện KoCham, chia sẻ. Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp FDI lúc này là Việt Nam sớm có tuyên bố chính thức về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cam kết hỗ trợ, bù đắp để doanh nghiệp yên tâm và tính toán kế hoạch kinh doanh. Các vấn đề kỹ thuật, ví dụ áp dụng thuế như thế nào, hỗ trợ ra sao có thể bàn thảo sau đó.
“Như đã nói, các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu đặt câu hỏi nếu không phải Việt Nam thì là nước nào và đó là câu chuyện chúng tôi không hề muốn bàn đến”, ông Son Won Sik, nói với lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn
Trong chuỗi các sự kiện gần đây về thuế tối thiếu toàn cầu, các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất rằng Việt Nam nên chủ động áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và có chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp FDI chịu tác động.
Theo ông Robert King, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, trong cuộc chơi thuế tối thiểu toàn cầu, mỗi quốc gia đều phải chủ động để bảo vệ quyền lợi của mình vì không có cách nào để đứng ngoài cuộc. Với vị trí là một nước tiếp nhận đầu tư, ông khuyên Việt Nam giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để bảo đảm cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Về cách đánh thuế, ông Robert King gợi ý Việt Nam áp dụng “thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn” (viết tắt là QDMTT) theo quy tắc mẫu GloBE thay vì áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung chung (15%). Các chuyên gia của OECD, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các công ty kiểm toán cũng như các hãng luật... đều nhất trí với đề xuất này. Lý do, QDMTT là cơ chế đạt chuẩn theo quy định của OECD. Các cơ chế khác (ví dụ áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%) sẽ không thống nhất theo công thức tính của OECD, dẫn đến tổng nghĩa vụ thuế của toàn tập đoàn sẽ bị tăng lên. Việc này vừa gây thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư, vừa gây khó khăn trong việc áp dụng và không thể hiện được sự hội nhập chính sách thuế của Việt Nam với quốc tế.
TS. Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV cho rằng, Việt Nam cần áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường cho các quốc gia khác. Đồng thời, để bù đắp một phần cho các đối tượng sẽ chịu tác động, Việt Nam cần có chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp với hai nhóm nhà đầu tư. Với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam, có thể có hỗ trợ tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân... “Nên áp dụng mức độ khác nhau với nhóm nhà đầu tư, loại dự án khác nhau”, ông Lực nói. Với những nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam từ đầu năm 2024, có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung trên toàn cầu cùng lúc các quy tắc mới về thuế tối thiểu được áp dụng, đây có thể xem như là tác động kép đối với các doanh nghiệp. Đối tượng ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu lại là các doanh nghiệp lớn mà Việt Nam đang muốn thu hút. Vì vậy, tại thời điểm này, sự đồng hành của Chính phủ với nhà đầu tư là yếu tố đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết để giữ chân và thu hút “đại bàng”, ông Robert King, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam lưu ý.