(KTSG) - Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang đẩy mạnh các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Và Việt Nam - một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, đang đứng trước cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trong khu vực.
- Tạo điều kiện phát triển hợp tác Việt Nam - Mỹ trong ngành bán dẫn
- Bain Company: Việt Nam nằm trong điểm lựa chọn của các nhà sản xuất bán dẫn
Xu hướng đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Chất bán dẫn là thành phần quan trọng trong công nghệ cung cấp năng lượng cho thế giới hiện đại của chúng ta. Hầu như mọi thiết bị điện tử mà chúng ta sử dụng để điều hành công việc kinh doanh và sắp xếp cuộc sống đều chứa chất bán dẫn. Do vậy, không quá lời khi nói rằng những con chip nhỏ bé này là một trong những tài nguyên quý giá nhất thế giới.
Các số liệu thống kê cho thấy, mặc dù hoạt động sản xuất đã chậm lại trong năm 2022, ngành công nghiệp bán dẫn vẫn đạt doanh thu toàn cầu là 580,13 tỉ đô la với mức tăng trưởng 4,4%. Các nhà phân tích dự đoán rằng trong năm 2023, tổng doanh thu bán dẫn trên thế giới sẽ giảm xuống 515,10 tỉ đô la, nhưng sẽ lại phục hồi mạnh mẽ về mức 576 tỉ đô la vào năm 2024.
Việt Nam nhận thức rằng ngành công nghiệp chip non trẻ của mình khó có khả năng phát triển chip tiên tiến ở quy mô thương mại như Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào những ngóc ngách hỗ trợ các dòng sản phẩm cụ thể như chip quản lý điện năng, chip analog cho Internet, Internet vạn vật và hệ thống dựa trên ứng dụng chip.
Tuy nhiên, bất chấp quy mô khổng lồ và tầm quan trọng địa chính trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, thị trường này rất dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng - điều đã xảy ra một cách thường xuyên trong những năm đầu của thập niên 2020.
Đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và cuộc xung đột ở Ukraine đều góp phần gây ra sự gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng bán dẫn. Trong khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt, ngành công nghiệp chip lại gặp khó khăn trong việc sản xuất và vận chuyển sản phẩm của mình. Tình trạng thiếu chất bán dẫn đã lan rộng trên toàn thế giới và tác động của nó vẫn còn có thể cảm nhận cho tới thời điểm hiện tại.
Để ứng phó với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng tái diễn, các quốc gia và tập đoàn bán dẫn đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Một trong những giải pháp quan trọng hơn cả chính là sự đa dạng hóa hoạt động sản xuất bán dẫn, từ đó giảm thiểu hoặc loại bỏ nhiều vấn đề trong chuỗi cung ứng.
Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu và Trung Quốc hiện đang nhanh chóng phát triển các nhà máy chế tạo của riêng mình nhằm đảm bảo nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Căng thẳng giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc cũng khiến các công ty bán dẫn ngày càng đẩy mạnh chiến lược “Trung Quốc cộng 1”, nhằm dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất sang các quốc gia ngoài Trung Quốc, từ đó giảm thiểu sự phụ thuộc và rủi ro vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ấn Độ, và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó bao gồm Việt Nam, được đánh giá là những điểm đến tiềm năng mà các công ty bán dẫn đang nhắm tới.
Làn sóng đầu tư gia tăng vào Việt Nam
Theo trang The Diplomat, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội hôm 10-9-2023 đã mở ra mối quan hệ sâu sắc hơn trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Mỹ. Và một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất, với những thành công cụ thể đáng ca ngợi chính là lĩnh vực bán dẫn.
Các giám đốc điều hành hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ đã chứng kiến Tổng thống Joe Biden công bố các dự án AI của Nvidia và Microsoft, các trung tâm thiết kế bán dẫn mới tại TPHCM của Synopsys và Marvell, lễ khai trương cơ sở đóng gói chip Amkor trị giá 1,6 tỉ đô la Mỹ gần Hà Nội vào tháng 10, và một mối quan hệ đối tác bán dẫn Mỹ - Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho các chuỗi cung ứng bán dẫn linh hoạt.
Tờ The Diplomat đánh giá, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vẫn đang tận dụng một cách thông minh sự độc lập về địa chính trị và nguồn vốn FDI để xây dựng nền tảng cho một cường quốc công nghệ.
Các hoạt động đầu tư trong số này là một phần của xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà các công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ đang triển khai, và được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam vươn lên trong ngành công nghiệp bán dẫn, hướng tới việc sản xuất các loại chip có giá trị cao hơn.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài cũng đã triển khai các hoạt động đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam. Tập đoàn Intel của Mỹ hiện đang chuẩn bị mở rộng địa điểm lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) vốn đã có quy mô rất lớn của mình. Amkor cũng sẽ mở rộng cơ sở ATP hiện có của hãng, trong khi Synopsys đang chuyển hoạt động thiết kế EDA từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Từ Hàn Quốc, Samsung đã đầu tư gần 1 tỉ đô la vào một cơ sở linh kiện bán dẫn hồi năm 2022 và có kế hoạch mở rộng cơ sở ở tỉnh Thái Nguyên để sản xuất chip hoàn chỉnh vào năm 2023. Ngoài ra, hàng chục nhà cung cấp tại Hà Lan cho Công ty ASML cũng đang coi Việt Nam là địa điểm phù hợp để triển khai các hoạt động sản xuất.
The Diplomat nhận xét, nhiều yếu tố đã thúc đẩy sự trỗi dậy của luồng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Những gián đoạn sản xuất do dịch bệnh tại Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng đã khiến các công ty ngày càng theo đuổi chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đưa hoạt động sản xuất tới các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
“Việt Nam đang trở thành quốc gia có vai trò then chốt trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu… Vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam và các khu công nghiệp đang phát triển có sức thu hút lớn với các nhà sản xuất. Quá trình chuyển đổi này nêu bật vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong kịch bản tái cấu trúc chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, và đánh dấu một giai đoạn mới của nền kinh tế nước này”, chuyên gia kinh tế Maheshwari Bandari tại GlobalData đánh giá.
Bên cạnh đó, các chính phủ nước ngoài cũng khuyến khích sự thay đổi này như một cách để giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào ngành sản xuất của Trung Quốc. Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen về việc Việt Nam có thể được hưởng lợi từ quỹ an ninh chuỗi cung ứng quốc tế trị giá 500 triệu đô la của Đạo luật Khoa học và CHIPS là minh chứng cho điều này.
Chiến lược thu hút đầu tư hợp lý
Theo The Diplomat, để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, Chính phủ Việt Nam đã triển khai một chương trình ưu đãi được đánh giá là hấp dẫn và tương đối toàn diện.
Thứ nhất, Việt Nam đưa ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong 15 năm, áp dụng cho các khoản đầu tư vào cả nghiên cứu và xây dựng cơ sở vật chất cho các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó chất bán dẫn là ngành ưu tiên.
Thứ hai, Việt Nam cho phép các công ty và tổ chức nghiên cứu xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học được miễn thuế tài sản (tiền thuê đất) trong toàn bộ thời hạn thuê nếu cơ sở này được sử dụng để nghiên cứu, ươm mầm khởi nghiệp...
Thành phố lớn nhất Việt Nam, TPHCM, có một chương trình bổ sung trợ cấp một phần hoặc toàn bộ lãi vay cho các dự án đầu tư cụ thể. Chính quyền sẽ trợ cấp 50% lãi suất đối với các cơ sở R&D cho “các ngành công nghiệp hỗ trợ”, 70% lãi suất cho các hoạt động sản xuất cơ bản và 85% lãi suất cho việc mua công nghệ và thiết bị tiên tiến - với tổng số tiền lên tới 8,8 triệu đô la cho mỗi dự án. Chương trình này đóng vai trò hỗ trợ cho Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố.
Bên cạnh đó, để khuyến khích các công ty thuê kỹ sư Việt Nam, thuế giá trị gia tăng (VAT) tiêu chuẩn 10% đối với dịch vụ được giảm xuống còn 5% đối với các hoạt động khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao, như chất bán dẫn. Các hoạt động đủ điều kiện bao gồm từ nghiên cứu đến tư vấn chuyển giao công nghệ và đào tạo kỹ thuật.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu đãi, các nhà hoạch định chính sách cũng luôn cố gắng đảm bảo rằng các công ty nước ngoài sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực kỹ thuật nội địa, từ đó giành được phần lợi nhuận lớn hơn từ các sản phẩm cuối cùng mà Việt Nam sản xuất.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã khuyến khích các công ty nước ngoài - đặc biệt là các công ty nhận trợ cấp của chính phủ - thiết lập các chương trình nghiên cứu chung với các tổ chức địa phương. Ví dụ điển hình là thỏa thuận đào tạo thiết kế chip giữa Synopsys, Khu Công nghệ cao TPHCM, Samsung và chương trình phát triển nhà cung cấp nội địa của Bộ Công Thương.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và Vườn ươm Công nghệ thông tin Việt Nam - Hàn Quốc cũng đang tiếp tục phục vụ cho nỗ lực của Việt Nam nhằm chuyển đổi sang đóng góp giá trị cao hơn cho chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận thức được một cách chính xác rằng, ngành công nghiệp chip non trẻ của mình khó có khả năng phát triển chip tiên tiến ở quy mô thương mại như Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào những ngóc ngách hỗ trợ các dòng sản phẩm cụ thể như chip quản lý điện năng, chip analog cho Internet, Internet vạn vật và hệ thống dựa trên ứng dụng chip.
Chiến lược này được đánh giá là có nhiều nét tương đồng với một số quốc gia như Pháp, cho phép Việt Nam có thể tìm kiếm những phân khúc thị trường phù hợp để có thể cạnh tranh toàn cầu với nguồn lực và chính sách hỗ trợ công nghiệp khiêm tốn.
Duy trì mối quan hệ hài hòa trong chuỗi cung ứng bán dẫn
Báo Global Times của Trung Quốc nhận định, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, được hỗ trợ bởi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn công nghiệp khổng lồ của phương Tây, đã có mức tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, và trở thành nhà xuất khẩu chip lớn thứ ba sang Mỹ ở châu Á.
Tuy nhiên, dù phát triển ổn định trong những năm gần đây, ngành bán dẫn Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn FDI và vai trò trong chuỗi cung ứng chủ yếu mới chỉ giới hạn ở việc lắp ráp và thử nghiệm. Do vậy, Việt Nam vẫn cần hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực để đón nhận thêm sự hỗ trợ cho ngành bán dẫn của mình.
Cũng theo Global Times, việc Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ, khuyến khích các công ty công nghệ cao phương Tây đầu tư hơn nữa là điều hiển nhiên. Nhưng song song với đó, chuỗi công nghiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không suy yếu mà còn được tăng cường hơn nữa, bởi Trung Quốc vẫn là thị trường chip lớn nhất thế giới và không có công ty nào sẵn sàng tách rời hoàn toàn khỏi thị trường này. Một sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn Việt Nam, trong mối quan hệ hài hòa với cả phương Tây và Trung Quốc do vậy, sẽ là tài sản quý giá đối với chuỗi công nghiệp châu Á.
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của Jayant Menon, thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore. Theo ông Menon, “Trong khi căng thẳng Mỹ - Trung đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các kết nối với Trung Quốc sẽ vẫn còn nguyên vẹn”. Ông đồng thời cũng cho biết thêm rằng “trong tương lai gần”, các khoản đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực bán dẫn Việt Nam sẽ ít ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, cũng như quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Về tổng thể, Việt Nam vẫn sẽ còn một chặng đường dài phải đi trước khi trở thành một nền kinh tế sản xuất chip tiên tiến. Tuy nhiên, tờ The Diplomat đánh giá, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vẫn đang tận dụng một cách thông minh sự độc lập về địa chính trị và nguồn vốn FDI để xây dựng nền tảng cho một cường quốc công nghệ.
Nguồn: The Diplomat, Global Data, Global Times, SCMP