Vĩnh Long: Nhà máy hiện đại “đóng cửa”, rác thải phải chôn lấp
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Sau một thời gian tái hoạt động, nhà máy xử lý rác hiện đại nhất tỉnh Vĩnh Long của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Phương Thảo lại phải… “đóng cửa”. Vì vậy, nguồn rác phát sinh của địa phương này buộc phải xử lý bằng cách chôn lấp.
Dự án xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo lại “đóng cửa”. Trong ảnh là rác được đưa vào nhà máy xử lý khi tái hoạt động vào năm 2016. Ảnh: Trung Chánh |
Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 15-8, ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long thừa nhận, dự án nhà máy xử lý rác công nghệ cao của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Phương Thảo đã phải “đóng cửa”.
Theo ông, đối với dự án này, sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức đoàn giám sát đã ra kết luận nếu từ nay đến cuối năm, dự án vẫn không đưa vào hoạt động trở lại sẽ ra quyết định thu hồi.
Cũng theo ông Phúc, liên quan dự án nhà máy xử lý rác Phương Thảo, một số kiến nghị xử lý về vấn đề môi trường sau thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như những thủ tục xác nhận môi trường đủ điều kiện hoạt động, thì đơn vị này vẫn chưa thực hiện. “Vì vậy, họ chưa đủ điều kiện hoạt động”, ông Phúc cho biết và nói rằng trang thiết bị, công nghệ của nhà máy cũng không đảm bảo.
Lý do tỉnh Vĩnh Long “ân hạn” từ nay đến cuối năm như nêu ở trên, theo ông Phúc, vì dự án “dính” đến phần tài sản đảm bảo do chủ đầu tư dự án có vay vốn từ Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB).
“Phía VDB cũng có đề nghị tỉnh hỗ trợ để họ xử lý vấn đề tín dụng, tài sản cũng như vấn đề cam kết của doanh nghiệp với ngân hàng”, ông cho biết.
Ông Phúc thông tin, tại cuộc họp giữa chủ đầu tư, VDB và UBND tỉnh Vĩnh Long gần đây cũng đã thống nhất cho VDB và nhà đầu tư tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Trong đó, phía ngân hàng đưa ra hai giải pháp: thứ nhất, là tìm nhà đầu tư mới để chuyển nhượng dự án; thứ hai, nếu không thực hiện được giải pháp chuyển nhượng, thì sẽ thực hiện theo quy định cam kết tín dụng, nghĩa vụ vay tài sản hoặc xử lý bằng cách bán để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, ông Phúc tái nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, nếu không tháo gỡ được khó khăn để đưa dự án quay trở lại hoạt động, thì địa phương sẽ thu hồi dự án này.
Ông Phúc cho biết thêm, hiện UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã có chỉ đạo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các bước kiểm tra tình trạng sử dụng đất cũng như các vấn đề liên quan đến tiến độ thực hiện dự án theo cam kết của nhà đầu tư đối với tỉnh.
Trước đó, vào tháng 9-2016, dự án nhà máy xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo tái hoạt động trở lại sau một thời gian dài “trùm mền”. Bởi, vào thời điểm năm 2015, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Cần Thơ dừng ký hợp đồng cung cấp rác từ Cần Thơ cho đơn vị này xử lý do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường dẫn đến chủ đầu tư ngưng hoạt động.
Theo ông Phúc, kể từ khi dự án tạm ngưng hoạt động, toàn bộ lượng rác phát sinh của địa phương được xử lý bằng cách chôn lấp tại các bãi chôn lấp của địa phương. “Công ty công trình công cộng Vĩnh Long xử lý bằng cách chôn lấp thôi”, ông nói.
Vào năm 2009, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Phương Thảo đầu tư 250 tỉ đồng vào dự án nhà máy xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ với diện tích sử dụng đất 8 héc ta, công suất 300 tấn rác/ca 8 giờ/ngày. Đến năm 2013, nhà máy đi vào hoạt động thử nghiệm, nhưng do gặp một số khó khăn nên tạm dừng hoạt động cho đến tháng 9-2016 tái hoạt động trở lại như nêu ở trên. Để thực hiện dự án này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng đã ký kết hợp đồng cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Phương Thảo vay 200 tỉ đồng. |
Mời xem thêm: