(KTSG) - Thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài mạch tăng điểm khi trải qua tuần giao dịch từ 24 đến 28-7-2023 tương đối khởi sắc với việc VN-Index vượt cản và đóng cửa phiên cuối tuần tại mốc 1.207 điểm, tăng 21,7 điểm, tương đương tăng 1,84% so với tuần trước đó. Lực mua tăng mạnh tại nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn...
- Sau khi Fed tăng lãi suất, VN-Index vẫn tiếp đà đi lên
- VN-Index hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.200 điểm!
Đáng chú ý, thị trường đi lên mạnh mẽ với động lực từ dòng tiền dồi dào trong nước bất chấp lực cản từ khối ngoại. Trong tuần qua, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 504 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu loại trừ giao dịch bán ròng đột biến trên kênh thỏa thuận của sàn UpCom thì khối ngoại vẫn mua ròng trên kênh khớp lệnh.
Cổ phiếu của “kỳ lân” công nghệ VNG bị khối ngoại bán ròng đột biến hơn 1.000 tỉ đồng qua kênh thỏa thuận với giá bán gần 627.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giá sàn. Đơn vị bán ròng này nhiều khả năng là VNG Limited - tổ chức có liên quan tới người sáng lập VNG Lê Hồng Minh.
Trên thị trường thế giới, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục xu hướng tăng điểm trong tuần trước với Dow Jones tăng 0,6%; S&P 500 tăng 1,01%; và Nasdaq tăng 2,02%. Quyết định tăng thêm 0,25 điểm phần trăm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp chính sách tháng 7 dường như không có tác động đáng kể nào đến thị trường khi điều này hoàn toàn nằm trong kỳ vọng của nhà đầu tư.
Thay vào đó, giới đầu tư ở Phố Wall lại hứng khởi với các số liệu thống kê cho thấy lạm phát của Mỹ giảm nhanh hơn dự báo, nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng, và lợi nhuận của các công ty niêm yết tốt hơn mong đợi. Những yếu tố này củng cố khả năng Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái bất chấp chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed.
Trong khi đó, tại Việt Nam, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Theo dữ liệu từ FiinGroup, tính đến ngày 27-7-2023, đã có 683 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết, đại diện 55% tổng giá trị vốn hóa thị trường công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh quí 2-2023.
Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) quí 2 giảm gần 17% so với cùng kỳ năm trước - đánh dấu quí thứ 3 liên tiếp LNST suy giảm. Điểm tích cực là khoảng 47% ngân hàng và doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng về LNST so với cùng kỳ.
Tỷ lệ này đã cải thiện đáng kể so với quí 1 trước đó là 39%. Đồng thời, tỷ lệ các ngân hàng và doanh nghiệp vừa ghi nhận lãi vừa tăng trưởng dương so với cùng kỳ cũng cải thiện (ở mức 42% so với 32% trong quí 1).
Cụ thể, tại nhóm ngân hàng, lợi nhuận của 15 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận mức tăng 1,2% so với quí 2-2022. Tốc độ này đã chậm lại đáng kể so với mức 12-46% trong bốn quí trước đó. Nếu so với quí 1 liền trước, thậm chí tổng LNST của các ngân hàng này còn giảm hơn 6%.
Tại khối phi tài chính, LNST của 634 doanh nghiệp (đại diện 45% vốn hóa của khối) tiếp tục giảm sâu với mức âm gần 38%. Dù vậy, tốc độ suy giảm đã thấp hơn so với các quí trước. Về tổng quan, khối doanh nghiệp phi tài chính vẫn đang gặp khó trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức cao, cầu tiêu dùng yếu, đầu tư tư nhân giảm mạnh và hoạt động giải ngân vốn đầu tư công chưa thực sự đột phá.
Ở chiều ngược lại, kết quả kinh doanh quí 2 cho thấy tình trạng bớt “khó khăn” hơn ở một số lĩnh vực khi lợi nhuận cải thiện hơn quí trước, bao gồm thực phẩm và đồ uống (LNST tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước), công nghệ thông tin (LNST tăng 18%) và dược phẩm (LNST tăng 30%).
Một số nhóm ngành khác có kết quả tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, như nhóm dịch vụ tài chính ghi nhận LNST quí 2 cao gấp hơn 7 lần cùng kỳ. Tương tự, nhóm doanh nghiệp bất động sản có LNST tăng trưởng tới 157% hay ngành ô tô cũng tăng trưởng 169%. Ngược lại, FiinGroup thống kê một số nhóm ngành vẫn ghi nhận LNST quí 2 sụt giảm so với cùng kỳ là dầu khí (giảm 88%), tiện ích (giảm 39%), xây dựng vật liệu (giảm 20%).
Về xu hướng thị trường, VN-Index đang giữ được xung lực tăng điểm rất tốt khi đã có bốn tuần tăng điểm mạnh liên tiếp. Ngay trong phiên thứ Hai đầu tuần này (31-7-2023), với đà bứt phá của cổ phiếu “họ VIN” là VIC và VHM thì VN-Index cũng đã tăng lên trên vùng 1.120 điểm. Các mã vốn hóa lớn, các nhóm ngành trụ cột đang luân phiên nhau giữ nhịp cho thị trường.
Với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, việc căn bán giảm tỷ trọng đang gặp rất nhiều thuận lợi trong khi ở chiều ngược lại, giữ được sự tỉnh táo và không FOMO trong giai đoạn này sẽ là thử thách lớn với những nhà đầu tư chưa xây dựng được vị thế cố phiếu cho mình.