Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

VN-Index ‘rơi’ hơn 45 điểm, 191 cổ phiếu ‘nằm sàn’

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trên hai sàn HOSE và HNX có đến 191 cổ phiếu giảm sàn, trong đó có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đẩy chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn 4%, sau áp lực bán tháo xuất hiện vào phiên chiều ngày 3-10.

Có 11 mã cổ phiếu thuộc nhóm VN30 "nằm sàn", nhiều mã ở trạng thái "trắng bên mua". Ảnh: V.D

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tháng 10 bằng một phiên giảm điểm mạnh. Chỉ số VN-Index giảm 45,67 điểm, tương ứng giảm hơn 4%, về mức 1.086,44 điểm; chỉ số HNX-Index cùng ngày cũng giảm 4,83%, trong khi chỉ số UPCoM-Index giảm 2,59%.

Tính đến cuối phiên sáng VN-Index chỉ giảm 26,98 điểm, vẫn duy trì trên ngưỡng 1.105 điểm, nhưng tâm lý giao dịch cũng rất tiêu cực. Lực bán tháo tiếp tục xuất hiện mạnh hơn vào phiên chiều, kết quả chung là thị trường diễn ra đợt bán tháo trên diện rộng ở nhiều ngành nghề.

Nếu như đầu giờ trên sàn HOSE có gần 54% mã cổ phiếu giữ sắc đỏ thì đến hết phiên giao dịch, tỷ trọng số mã giảm lên đến 85%. Chỉ có 8,2% số cổ phiếu duy trì sắc xanh, trong khi có 147 mã giảm sàn, tương tự trên sàn HNX có đến 44 mã giảm sàn.

Điều đáng chú ý hôm nay là trong nhóm cổ phiếu VN30 (vốn hóa và thanh khoản lớn nhất thị trường) cũng diễn ra hiện tượng “nằm sàn” hàng loạt, khi chỉ số VN30-Index giảm mạnh 4,34%.

Theo đó, trong rổ cổ phiếu này có 11 mã giảm sàn và nhiều mã giảm mạnh, chỉ duy nhất VIC giữ sắc xanh (tăng 0,9%), nhưng cũng là do đảo chiều, từ đó tác động tích cực lên VN-Index giúp tránh rơi sâu hơn (chỉ số có lúc rơi trên 50 điểm).

Cụ thể hơn, các cổ phiếu VN30 bị bán tháo bất kể ngành nghề, từ ngân hàng như STB, TCB, BID, CTG, cho đến cổ phiếu bán lẻ như MWG, cổ phiếu thép (HPG), chứng khoán (SSI), bảo hiểm (BVH), bất động sản (KDH) đều bị bán giá sàn.

Hàng loạt cổ phiếu "nằm sàn" trong phiên giao dịch ngày 3-10. Nguồn: Vietstock.

Một trong những thông tin vĩ mô lan truyền trên thị trường hôm nay, được cho là ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư là tin đồn về việc Credit Suisse rơi vào nguy cơ phá sản, khiến nhà đầu tư nhắc lại vụ việc Lemahn Brothers trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong tuần trước, hợp đồng hoán đổi tín dụng (CDS), một trong những chỉ báo về rủi ro phá sản, của Credit Suisse tăng mạnh, từ đó dấy lên sự quan ngại về tình hình tài chính. Lãnh đạo ngân hàng Thụy Sĩ này sau đó đã lên tiếng trấn an các nhà đầu tư, khách hàng và đối tác, nhưng thị giá cổ phiếu ngân hàng này giảm 55% kể từ đầu năm.

Trong tuần trước, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh tới 71,17 điểm, tương đương với 5,91% so với tuần trước đó, xuống mức 1.132,11 điểm. Chỉ số chính của chứng khoán đã có lúc xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm, nhưng bất ngờ hồi phục mạnh vào cuối phiên thứ sáu tuần trước.

Trong báo cáo đánh giá tuần này, các công ty chứng khoán nhắc nhiều về kịch bản thị trường sẽ sớm tìm được vùng cân bằng trong tuần này, dù xu hướng ngắn hạn nhìn chung vẫn là đà giảm.

Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ thiết lập mặt bằng giá mới dựa trên ngưỡng hỗ trợ cứng 1.100 điểm. Tuy nhiên, trong ngày hôm nay chỉ số VN-Index dễ dàng xuyên thủng và rơi rất sâu, cho thấy các tín hiệu tiêu cực trên thị trường vẫn chưa giảm bớt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới