(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước tương đối tích cực khi chỉ số VN-Index tăng điểm trong cả năm phiên. Tổng cộng, VN-Index tăng hơn 30 điểm, đóng cửa sát ngưỡng 1.170 điểm - mức cao nhất trong gần 10 tháng. Lực cầu tích cực đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường, trong đó tâm điểm thuộc về nhóm cổ phiếu chứng khoán và bán lẻ.
Giao dịch trở nên sôi động hơn với thanh khoản tăng mạnh, giá trị giao dịch bình quân của ba sàn đạt gần 22.000 tỉ đồng/phiên.
- VN-Index thử thách vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm!
- VN-Index chịu áp lực điều chỉnh khi chạm vùng 1.130 điểm!
Trong bối cảnh thị trường khởi sắc, khối ngoại vẫn duy trì xu hướng thận trọng khi có thêm tuần bán ròng hơn ngàn tỉ đồng.
Trên thế giới, TTCK Mỹ kết thúc tuần trước với đà tăng điểm được duy trì khi chỉ số Dow Jones tăng 2,3%, hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3, trong khi S&P 500 tăng 2,4% và Nasdaq tăng 3,3%.
Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư Phố Wall được nâng đỡ bởi loạt báo cáo lạm phát cho thấy giá cả tại Mỹ tăng yếu hơn kỳ vọng. Cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) đều phản ánh sự “xuống thang” của lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang (Fed).
Điều khiến nhà đầu tư thêm phần lạc quan là dù lạm phát giảm, nền kinh tế Mỹ vẫn cho thấy sức trụ tốt, và nếu sự vững vàng này được giữ vững, chứng khoán Mỹ sẽ có cơ sở để tăng cao hơn trong nửa cuối năm nay. Điều này cũng giúp củng cố khả năng Fed có thể sắp dừng hẳn việc tăng lãi suất, đồng nghĩa chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sắp đi đến hồi kết.
Về mùa báo cáo tài chính quí 2 tại Mỹ, giới phân tích đang đặt kỳ vọng khá ảm đạm. Dự báo lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp thành viên S&P 500 giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu từ FactSet. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, đây sẽ là mùa báo cáo tài chính tệ nhất kể từ quí 2-2020 - kỳ báo cáo mà lợi nhuận của S&P 500 giảm 31,6%.
Về hướng đi lãi suất của Fed, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào cuối tháng 7 này, sau đó sẽ không có thêm đợt tăng lãi suất nào nữa trong thời gian còn lại của năm 2023.
Về các tin tức trong nước, tính đến ngày 10-7-2023, đã có ước tính kết quả kinh doanh quí 2-2023 cho 62 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết, đại diện cho 38,3% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UpCom với lợi nhuận sau thuế ước giảm 18,5% so với cùng kỳ. Như vậy, trong sáu tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng và doanh nghiệp này giảm gần 17% - mức giảm tương đối mạnh so với kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của nhóm này (dự kiến giảm 7,1%).
Ngân hàng là ngành đáng chú ý với ước tính về lợi nhuận cho 10/27 ngân hàng đang niêm yết (chiếm 76% vốn hóa ngành). Lợi nhuận của 10 ngân hàng ước đạt mức tăng thấp (5,6%) trong quí 2-2023. Xu hướng tăng trưởng ở các ngân hàng không có nhiều khác biệt so với quí 1-2023, trong đó tăng trưởng cao được kỳ vọng ở các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước (VCB, BID, CTG) với động lực tăng trưởng vẫn là tín dụng và chất lượng tài sản được kiểm soát.
Ở chiều ngược lại, lợi nhuận của nhóm NHTM cổ phần tư nhân (bao gồm VIB, TCB, ACB, TPB) đi ngang hay thậm chí giảm mạnh, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu và tín dụng tăng rất thấp trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn tương đối ảm đạm. HDB, MBB và STB là ba NHTM cổ phần tư nhân ghi nhận tín dụng tăng trưởng tích cực trong quí 2-2023.
Sau khi bật tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2023, cổ phiếu ngân hàng duy trì trạng thái lình xình trong giai đoạn gần đây. Mức định giá hiện tại của ngành (1,5x P/B) là tương đối thấp so với lịch sử 10 năm, nhưng những quan ngại liên quan đến chất lượng tài sản suy yếu cũng như hoạt động cho vay chững lại khiến dòng tiền trên thị trường chưa thực sự “mặn mà” với nhóm cổ phiếu này.
Về xu hướng thị trường, sau khi gặp áp lực “rung lắc” trong phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh 1.100 điểm trong tuần này. Nếu dòng tiền vẫn duy trì được ở các nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… thì VN-Index vẫn có cơ hội hướng lên các vùng điểm cao hơn tại 1.150-1.160 điểm.
Mặc dù vậy, trong lúc các tín hiệu chưa được xác nhận thì nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự cẩn trọng trong quản trị danh mục, phân bổ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý nhằm tránh được sự bị động khi VN-Index không diễn biến theo kịch bản kỳ vọng.