Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

VN-Index và những kỳ vọng mới trong năm 2024!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khép lại năm 2023 với tuần giao dịch cuối cùng từ ngày 25 đến 29-12 tương đối khả quan khi VN-Index tăng điểm kèm thanh khoản cải thiện. Tâm lý tích cực giúp dòng tiền ngắn hạn gia tăng trở lại nhiều nhóm cổ phiếu. Kết thúc năm 2023, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.129 điểm, tăng 12,2% so với năm 2022, với khối lượng giao dịch tăng khoảng 11%. Nhìn lại cả năm 2023 thì VN-Index đã trải qua những đợt trồi sụt khá rõ nét. Cụ thể, giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8-2023, chỉ số này hồi phục mạnh, tăng tới 200 điểm và tạo đỉnh tại 1.245 điểm. Tuy vậy, niềm vui không kéo dài lâu khi chỉ hai tháng sau, VN-Index lao dốc, lấy đi toàn bộ thành quả trước đó. Trong hai tháng cuối năm, thị trường có sự hồi phục trở lại nhưng chủ yếu giằng co quanh mốc 1.100 điểm.

Dù thị trường hồi phục, đi ngang hay ảm đạm, thì xuyên suốt năm qua khối ngoại bán ròng. Cả năm 2023, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 23.000 tỉ đồng trên ba sàn, còn tính riêng trên sàn HOSE thì con số này khoảng 25.000 tỉ đồng, gần như xóa nhòa thành quả mua ròng trong cả năm 2022. Ngoài các quỹ chủ động thì các quỹ ETF cũng liên tục bị rút vốn mạnh, trong đó loạt tên tuổi kỳ cựu như DCVFMVNDiamond ETF, DCVFMVN30 ETF hay SSIAM VNFinlead ETF đều bị rút hàng ngàn tỉ đồng. Cụ thể, DCVFM VNDiamond ETF bị rút ròng gần 3.700 tỉ đồng, lớn nhất trong các quỹ ETF nội. Một trong những nguyên nhân có thể đến từ việc quỹ này không còn “độc quyền” tham chiếu theo rổ chỉ số VNDiamond khi đã có thêm hai ETF mới là MAFM VNDiamond ETF và BVF VNDiamond ETF. Trong năm 2023, MAFM VNDiamond ETF đã hút ròng được khoảng 250 tỉ đồng. Việc nhà đầu tư Hàn Quốc ưu ái quỹ “đồng hương” cũng là điều dễ hiểu và không loại trừ khả năng một phần dòng vốn được rút ra từ DCVFM VNDiamond ETF. Bên cạnh đó, dòng vốn đến từ Thái Lan cũng không còn quá “mặn mà” với DCVFM VNDiamond ETF khiến quỹ bị rút vốn. Nhà đầu tư xứ “chùa vàng” từng là lực lượng mua gom rất mạnh chứng chỉ quỹ ETF này trên cả hai kênh trực tiếp qua các quỹ đầu tư và gián tiếp qua DR (chứng chỉ lưu ký).

Trong bối cảnh ảm đạm trên, quỹ Fubon ETF đã trở thành điểm sáng hiếm hoi khi vẫn âm thầm hút ròng. Lũy kế từ đầu năm 2023, dòng tiền vào ETF này đạt hơn 72 triệu đô la, tương ứng gần 1.800 tỉ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2023, quy mô của Fubon ETF vượt 844 triệu đô la, tiếp tục là quỹ ETF có quy mô lớn nhất tại TTCK Việt Nam.

Ngoài giao dịch của khối ngoại thì một “gam trầm” khác của TTCK Việt Nam trong năm 2023 đến từ việc lỡ hẹn mục tiêu nâng hạng và hệ thống KRX chưa thể vận hành như kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, hoạt động IPO cũng vô cùng trầm lắng khi số lượng các đợt đấu giá trên sàn chứng khoán ngày càng ít, trong đó các thương vụ “bom tấn” gần như không có. Theo thống kê từ các sở giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX) thì mới có ba đợt đấu giá cổ phần diễn ra trong năm 2023 với tổng giá trị hơn 2.700 tỉ đồng - mức thấp nhất trong một thập niên.

Trong khi đó, TTCK toàn cầu ghi nhận 2023 là năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2019, khi nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn đã hoàn tất việc tăng lãi suất và sẽ nhanh chóng bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất vào năm tới. Chỉ số MSCI World - chỉ số cổ phiếu của các thị trường phát triển toàn cầu - đã tăng 16% kể từ cuối tháng 10 và tăng 22% trong năm 2023, là mức tăng tốt nhất trong bốn năm. Điều này phần lớn được thúc đẩy bởi chỉ số S&P 500 với mức tăng 14% kể từ tháng 10 và 24% trong năm 2023. Mức tăng này diễn ra nhờ sự thay đổi mạnh mẽ trong kỳ vọng lãi suất sau một loạt dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phương Tây.

Dù diễn biến trong năm 2023 không được như kỳ vọng, song triển vọng của TTCK Việt Nam trong năm 2024 vẫn được đánh giá khả quan nhờ tình hình vĩ mô trong nước ổn định và khả năng hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp. Bối cảnh thị trường năm 2024 hứa hẹn có nhiều khởi sắc hơn khi quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đã đi đến chặng cuối. Thêm vào đó, bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể tươi sáng hơn nhờ nền kinh tế hồi phục và kỳ vọng lãi vay hạ nhiệt. Đa số các tổ chức lớn đều dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức hai chữ số trong năm 2024. Ngoài ra, kỳ vọng về việc vận hành KRX và mục tiêu nâng hạng thị trường vẫn được bảo lưu. Vì vậy, nhiều nhận định cho rằng định giá thị trường đang ở mức hợp lý và là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới