VNG đặt mục tiêu đạt doanh thu 7.609 tỉ đồng, tăng trưởng 26%
Vân Ly
(KTSG Online) - Kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty Cổ phần VNG được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 22-7 đã thông qua phương án đặt mục tiêu đạt doanh thu 7.609 tỉ đồng trong năm 2021, tăng 26% so với 2020.
Trụ sở công ty VNG. Ảnh: DNCC |
Cụ thể, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, năm 2020 doanh thu thuần của VNG đạt hơn 6.024 tỉ đồng, tăng 16,3% so với năm 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế giảm lần lượt là 40% và 57% so với năm 2019, tương đương 255 tỉ đồng và 261 tỉ đồng. Tuy nhiên mức lợi nhuận này vẫn cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch lợi nhuận đã được đại hội đồng cổ đông năm 2020 thông qua (âm 246 tỉ đồng).
Tại đại hội cổ đông lần này, VNG trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu doanh thu hơn 7.609 tỉ đồng, tăng 26% so với kế hoạch đề ra năm 2020. Lợi nhuận dành cho cổ đông theo kế hoạch là 4 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến cho công ty là âm 619 tỉ đồng do chiến lược tiếp tục đầu tư mạnh tay cho thanh toán, AI (trí tuệ nhân tạo) và điện toán đám mây, cũng như để dự phòng cho ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19.
Ngoài ra, VNG cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước để phù hợp với quy định mới của Luật Chứng khoán. Số tiền thu về từ chào bán cổ phần dự kiến sẽ được sử dụng để mở rộng và phát triển thị trường (cả trong và ngoài nước).
Tiếp tục đầu tư cho các mảng kinh doanh chiến lược và đặc biệt là tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các startup tiềm năng. Chiến lược đồng hành cùng các start-up công nghệ này đã được VNG thực hiện từ năm 2020 với khoản đầu tư hơn 80 tỉ đồng vào doanh nghiệp vận tải công nghệ Ecotruck vào cuối năm ngoái và thương vụ đầu tư trị giá 138 tỉ đồng vào nền tảng quà tặng điện tử Got It trong đầu năm nay.
Trong năm 2020, các mảng kinh doanh chủ lực của VNG vẫn tiếp tục phát triển theo lộ trình đặt ra dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19: lĩnh vực trò chơi điện tử có những bước tiến vững chắc tại thị trường nước ngoài như Đông Nam Á và bước đầu gặt hái thành công tại thị trường mới như Ấn Độ, Nga… Zalo đã chính thức trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Việt Nam năm 2020 với tỷ lệ người dùng đạt 76,5%. Trợ lý ảo người Việt đầu tiên mang tên Kiki do Zalo phát triển sẽ sớm tích hợp vào loa thông minh và có khả năng sử dụng trên ô tô. Ví điện tử ZaloPay cũng đạt sự tăng trưởng mạnh về người dùng…
Mảng kinh doanh điện toán đám mây của VNG đã có những đóng góp quan trọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chuyển đổi số trong hoạt động quản trị doanh nghiệp thời Covid. Bên cạnh đó, ứng dụng định danh người dùng (eKYC) trueID dành cho các ngân hàng và tổ chức tài chính do các kỹ sư VNG phát triển hiện đang được nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam và nước ngoài tin dùng như Bản Việt, ACB, HongLeongBank…