Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn FDI chảy vào Trung Quốc giảm xuống thấp nhất 18 năm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong nửa cuối năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp của các công ty nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 18 năm. Dòng vốn FDI chảy vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đình trệ trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ dâng cao, triển vọng tăng trưởng mờ nhạt và lo ngại về rủi ro thụt lùi trong cải cách kinh tế.

Trong nửa cuối năm ngoái, vốn FDI vào Trung Quốc đạt tổng cộng 42,5 tỉ đô la Mỹ, giảm đến 73% so với cùng kỳ năm trước đó. Ảnh: Jonesday

Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại rủi ro

Vốn FDI vào Trung Quốc đạt tổng cộng 42,5 tỉ đô la Mỹ vào nửa cuối năm ngoái, theo dữ liệu chính thức. Con số này giảm đến 73% so với cùng kỳ năm trước đó, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1999. Từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, vốn FDI vào Trung Quốc đạt mức trung bình hơn 160 tỉ đô la trong mỗi nửa năm.

Trong khi đó, FDI của các công ty Trung Quốc tăng 21% lên 84,1 tỉ đô la. Đây là lần đầu tiên dòng vốn mà Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài lớn hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào trong 5,5 năm.

Xu hướng các công ty nước ngoài ngần ngại triển khai các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc một phần là do tác động của chính sách “zero Covid”. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc , FDI được sử dụng trên thực tế, bao gồm cả lợi nhuận tái đầu tư, trong quí cuối cùng của năm 2022 giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 33,8 tỉ đô la, mức giảm mạnh nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1996.

Theo một báo cáo phân tích của Công ty tư vấn đầu Rhodium Group, có trụ sở tại New York, trong những năm gần đây, hầu như không có công ty châu Âu mới nào đầu tư vào Trung Quốc. Báo cáo lưu ý xu hướng tách rời chuỗi cung ứng trong số các công ty nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Chẳng hạn, một số nhà sản xuất ô tô lớn đang tách biệt chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và bên ngoài Trung Quốc để hạn chế rủi ro như rò rỉ công nghệ.

Các công ty nước ngoài khác thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc hoặc rút hoàn toàn. Vào cuối năm 2022, số lượng các nhà sản xuất nước ngoài và các công ty nước ngoài khác hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc giảm 0,5%, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong ba năm.

Nguyên nhân chính là các công ty nước ngoài lo ngại các rủi ro gia tăng đối với chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về các công nghệ tiên tiến dâng cao. Cuối năm ngoái, Tập đoàn Sony của Nhật Bản đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất máy ảnh cho thị trường Nhật Bản hoặc Mỹ và châu Âu từ Trung Quốc sang Thái Lan.

Triển vọng tăng trưởng không chắc chắn của kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid” hồi năm ngoái cũng khiến một số công ty nước ngoài rút lui, bao gồm nhà sản xuất hộp cơm trưa Plenus và hãng mắt kính Aigan của Nhật Bản.

Sau khi chấm dứt các biện pháp hạn chế đi lại kiểm soát Covid-19 vào cuối năm 2022, Bắc Kinh gấp rút đưa nền kinh tế trở lại lộ trình tăng trưởng lành mạnh. Một số nhà quan sát đang kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới tại kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội Trung Quốc) diễn ra vào tháng 3.

Dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy trong tháng 1, FDI nước ngoài sử dụng trên thực tế tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng liệu dòng vốn FDI có bền vững hay không vẫn chưa rõ ràng, vì nhiều công ty nước ngoài vẫn lo ngại những tác động kinh tế lâu dài của các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 6 năm ngoái của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc, 44% công ty thành viên của hội đồng này nhận định sẽ mất nhiều năm để khôi phục niềm tin vào thị trường Trung Quốc ngay cả khi chính phủ từ bỏ chính sách “zero Covid”.

Trung Quốc đã nỗ lực tăng năng suất trong nước bằng cách thu hút vốn và công nghệ nước ngoài. Nhưng giờ đây, dòng vốn FDI đình trệ cùng với vấn đề dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm có nguy cơ cản trở tăng trưởng của nước này.

Đông Nam Á hút FDI khi căng thẳng Mỹ-Trung tăng nhiệt

Căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục tăng nhiệt, với việc Nhà Trắng đang xem xét lệnh cấm đầu tư hoàn toàn vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ cao. Những diễn biến này diễn ra khi một số nhà quan sát lo ngại đội ngũ hoạch định chính sách kinh tế mới trong nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đảo ngược những tiến bộ hàng thập niên trong việc mở cửa đất nước cho nhà đầu tư nước ngoài do cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng.

Khi vốn nước ngoài chuyển dịch khỏi Trung Quốc, dòng chảy FDI vào các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á tăng lên.

Chẳng hạn, Thái Lan ghi nhận lượng FDI đăng ký mới tăng 36% trong năm ngoái, lên con số 433,9 tỉ baht (12,4 tỉ đô la Mỹ).

Hồi tháng 11, Tập đoàn Hon Hai Precision Industry của Đài Loan, hay còn gọi Foxconn, bắt đầu xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện mới. Tập đoàn nông nghiệp khổng lồ của Mỹ Cargill cũng đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất nhựa sinh học ở Thái Lan.

Tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến ngày 20-12, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 22,4 tỉ đô la, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cuối năm ngoái, Samsung Electronics đã khánh thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, có tổng vốn đầu tư 220 triệu đô la. Trung tâm này là một phần trong kế hoạch của Samsung nhằm định vị Việt Nam là một trung tâm điện thoại thông minh mang tính chiến lược toàn cầu.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới