Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vốn mạo hiểm suy giảm, startup Ấn Độ chọn lên sàn chứng khoán sớm

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vốn mạo hiểm cạn bớt, các startup Ấn Độ đã thực hiện chào bán công khai lần đầu (IPO) sớm hơn và chấp nhận mức định giá thấp so với các lần gọi vốn trước đó để thu hút nhà đầu tư.

Định giá của các công ty khởi nghiệp Ấn Độ đã giảm bớt kể từ thời kỳ hoàng kim năm 2021. Hiện các startup chọn mức định giá thấp hơn khi lên sàn. Ảnh: Nikkei Asia, AP

Chiến lược chọn mức định giá “vừa phải”

Hãng xe điện Ola Electric Mobility và công ty bảo hiểm Go Digit General Insurance lần lượt định giá IPO ở mức 4,3 tỉ đô la và 3,2 tỉ đô la, giảm 22% và 13% so với mức định giá cuối vào tháng 9 năm ngoái. Nhà bán lẻ đồ chăm sóc trẻ em FirstCry giữ nguyên định giá của mình ở mức khoảng 3 tỉ đô la.

Các nhà phân tích dự đoán rằng tình trạng giảm mức định giá sẽ tiếp tục khi các startup nổi tiếng chuẩn bị lên sàn. Trong số này, có startup giao đồ ăn Swiggy, các công ty hậu cần BlackBuck và Ecomm Express, công ty điều hành không gian làm việc chung Smartworks và nền tảng thương mại điện tử tập trung vào doanh nghiệp OfBusiness. Tất cả đều dự kiến ​​sẽ lên sàn vào năm 2025.

"Nếu lên sàn với mức định giá cao rồi bị chỉ trích, đó là rủi ro về danh tiếng bởi không nhà sáng lập nào muốn bị nghi ngờ vì đã bán ra đống cổ phiếu tồi tệ. Nếu các nhà đầu tư có thể kiếm được tiền, điều đó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến danh tiếng của startup và những nhà sáng lập”, theo Abhishek Basumallick, nhà sáng lập công ty đầu tư Intelsense của Ấn Độ.

Mức định giá vừa phải là sự đảo ngược mạnh mẽ so với thời kỳ hoàng kim năm 2021 khi các startup thực hiện IPO. Mức định giá của hãng giao đồ ăn Zomato tăng 56% lên 8,6 tỉ đô la. Hãng công nghệ tài chính Paytm tăng định giá lên 25% và đạt 20 tỉ đô la. Tương tự, định giá của hãng bán lẻ mỹ phẩm Nykaa tăng vọt sáu lần lên khoảng 7,1 tỉ đô la.

Nhưng rồi khi cổ phiếu của các ngôi sao này tụt dốc, họ đã bị chỉ trích thậm tệ, buộc các nhà đầu tư cảnh giác với các dự án thua lỗ. Sự hoài nghi bắt đầu lớn dần, gây ra những sụp đổ lớn hơn trên thị trường chứng khoán sau những căng thẳng địa chính trị như cuộc xung đột ở Ukraine năm 2022 hay nỗi lo về suy thoái kinh tế ở Mỹ gần đây. Cổ phiếu của Zomato đã giảm xuống dưới mức giá ban đầu sáu tháng sau khi niêm yết và chỉ tăng trở lại mức giá niêm yết vào tháng 11-2023. Trong khi đó, Paytm hiện đang giao dịch ở mức khoảng một phần ba giá niêm yết ban đầu.

Đối đầu với cú đánh kép

Đầu tiên, lãi suất cao đã khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân cảnh giác với mức định giá cao ngất ngưởng trên thị trường chứng khoán.

Đợt bùng nổ vốn đầu tư cho startup trong ba năm Covid (2020-2022) giúp Ấn Độ sản sinh thêm 65 kỳ lân – các công ty khởi nghiệp trị giá từ 1 tỉ đô la.

Nhưng hiện tại, mọi người không còn ham muốn góp vốn cho startup bởi nhiều rủi ro hơn so với tiền tiết kiệm gửi ngân hàng và các công cụ tài chính khác. Chính vì thế startup phải vật lộn với tình trạng thiếu tiền mặt, thường gọi là dry powder (bột khô), và buộc cắt giảm mọi chi phí để hướng đến mục tiêu đạt lợi nhuận.

Theo hãng dữ liệu Tracxn Technologies, tài trợ giai đoạn tăng trưởng, thường được gọi là gây quỹ series C trở lên, đã giảm gần một nửa từ 29,81 tỉ đô la vào năm 2021 xuống còn 15,51 tỉ đô la vào năm 2022. Kể từ đó, mức giảm đã mạnh hơn, xuống còn 6,43 tỉ đô la vào năm 2023 và 3,35 tỉ đô la trong tám tháng đầu năm 2024.

Startup còn phải đối mặt với nhiều thách thức khi các quỹ mạo hiểm thoái vốn. Thông thường các quỹ đều muốn có lợi nhuận, bởi họ cũng muốn bảo vệ danh tiếng của mình trước các nhà đầu tư cá nhân và định chế. Tuy vậy, giá trị IPO thấp hơn mức tài trợ trước khi niêm yết có thể trì hoãn việc thoái vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư vào startup vào giai đoạn cuối.

Sự suy thoái rộng hơn trên thị trường tư nhân cũng đã làm mất đi sự hấp dẫn của các giao dịch thứ cấp, nơi các nhà đầu tư mới mua lại cổ phần từ những nhà đầu tư hiện tại. Theo hãng tư vấn Bain & Co., các giao dịch thứ cấp chiếm 15% tổng số giao dịch thoái vốn vào năm 2023, so với 20% vào năm 2021. Thị phần của các giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã tăng từ 38% vào năm 2021 lên 55% vào năm 2023, phản ánh tâm lý trái ngược nhau giữa thị trường đại chúng và thị trường tư nhân.

Vốn mạo hiểm thoái vốn thông qua các giao dịch thứ cấp trong năm 2023 đạt 1 tỉ đô la, tăng 51% so với năm trước đó. Tuy nhiên, chỉ thương vụ của hãng bán lẻ kính mắt Lenskart đã đạt 480 triệu đô la. Giá trị thoái vốn trong năm 2023 chỉ bằng 1/3 con số tương tự trong năm 2021.

Các startup Ấn Độ thường dựa vào các quỹ chéo toàn cầu như Tiger Global Management và SoftBank Group để có vốn tăng trưởng. Nhưng các quỹ này cũng đã cắt giảm danh mục đầu tư toàn cầu khi kinh tế bắt đầu chững lại.

Các kỳ lân Ấn Độ cũng đối mặt với sức ép. Startup giáo dục trực tuyến Byju's đang phải đối mặt với các thủ tục phá sản. Mức định giá của hiệu thuốc trực tuyến PharmEasy và trang thương mại điện tử Udaan đã bị cắt giảm trong các vòng gọi vốn mới.

Sàn chứng khoán đầy hấp dẫn

Trong khi các nguồn vốn tư nhân cạn kiệt, các sàn chứng khoán lại đầy sức hấp dẫn. Chỉ số chứng khoán chuẩn Sensex của Ấn Độ đã vượt trội so với các đối thủ lớn của châu Á, tăng vọt 71% kể từ tháng 1-2021. Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 27% trong thời gian này, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40% và chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 23%.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ đang tràn ngập các nhà đầu tư mới, dù là nhỏ lẻ, nhưng họ háo hức tận dụng thị trường sôi động, dẫn đến nguồn vốn dồi dào và nhu cầu ngày càng tăng đối với các cổ phiếu mới. Theo hãng chứng khoán ICICI Direct, số lượng tài khoản giao dịch tại Ấn Độ đã tăng 4,4 lần, từ 36 triệu vào tháng 3-2020 lên 160 triệu vào tháng 6-2024.

Các đợt IPO đặc biệt trở thành sự lựa chọn ưa thích của các nhà đầu tư, bởi họ hy vọng kiếm được tiền nhanh chóng khi startup lên sàn. Trong một báo cáo đầu tháng 9 này, Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Ấn Độ đã lưu ý các nhà đầu tư nhỏ lẻ bán 50% cổ phiếu từ các đợt IPO trong vòng một tuần sau khi niêm yết và 70% trong một năm.

Một thị trường chứng khoán sôi động cũng sẽ khuyến khích các công ty nhỏ hơn có "lợi nhuận có thể dự đoán" chuẩn bị lên sàn, mở đường thoái vốn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các nhà đầu tư tổ chức cũng đang tham gia vào cuộc chơi, hy vọng giành được phần lớn hơn của chiếc bánh cổ phiếu công nghệ. Các quỹ tương hỗ sở hữu 12,52% Zomato trong quí 2-2024, tăng gấp năm lần so với hai năm trước. Cổ phần của các quỹ tại Nykaa tăng bảy lần, tại hãng bảo hiểm Policybazaar tăng bốn lần trong cùng quí.

"Thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn về mặt thanh khoản. Các nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân đang tìm kiếm thanh khoản. Còn sàn chứng khoán có thêm nhiều nhà đầu tư mới”, Vinod Murali, đối tác tại quỹ mạo hiểm Alteria Capital nhận định.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới