(KTSG Online) – Trong bối cảnh thị trường chứng khoản giảm điểm mạnh khi các nhà đầu tư trong nước bán tháo cổ phiếu, khối nhà đầu tư nước ngoài lại có tháng mua ròng kể từ tháng 7-2021.
Thị trường chứng khoán tháng 4 chứng kiến nhiều sự kiện lớn và giá cổ phiếu giảm mạnh, nhưng dòng tiền của các nhóm nhà đầu tư lại có diễn biến khác nhau.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong đợt điều chỉnh mạnh trong tháng 4 của thị trường, các nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng 4.683 tỉ đồng. Trong khi đó, các tổ chức trong nước mua ròng 770 tỉ đồng, khối ngoại cũng mua ròng 1.828 tỉ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh trên HOSE.
Tổng kết chung trong báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho thấy trong 4 tháng khối ngoại mua ròng khoảng 3.900 tỉ đồng, tương đương 153 triệu đô la Mỹ; bán ròng khoảng 131 triệu đô la. Tuy nhiên, theo thống kê của SSI, nếu loại trừ các giao dịch đột biến (của MSN và MWG), thì trong 4 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều mua ròng 706 tỉ đồng. Tháng 4 cũng là tháng khối ngoại mua ròng đầu tiên kể từ tháng 7 năm ngoái.
“Khối ngoại có xu hướng tập trung giải ngân vào ngành cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như ngân hàng, hoặc ngành Việt Nam có lợi thế về dài hạn như bán lẻ và bất động sản khu công nghiệp”, báo cáo của SSI nhận định.
Bên cạnh dòng tiền khớp lệnh trên thị trường, dòng vốn ETF đảo chiều hồi phục trong tháng 4 sau 2 tháng bị rút ròng. Tổng dòng vốn ETF trong tháng 4 ghi nhận sự bơm ròng với tổng giá trị đạt 1.690 tỉ đồng, mức cao nhất trong vòng 9 tháng gần đây.
Dù vậy tính chung cho 4 tháng đầu năm, dòng vốn ETF vẫn ghi nhận mức vào ròng khá khiêm tốn (khoảng 1.845 tỉ đồng so với mức kỷ lục 13.200 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm 2021) với lực mua chủ yếu đến từ Quỹ Fubon và VFM VNDiamond, theo SSI.
Trong báo cáo mới nhất về dòng vốn ngoại, SSI cho biết vẫn duy trì quan điểm về việc vốn ngoại sẽ trở lại thị trường trong năm nay, nhờ sự ổn định của tỷ giá, thặng dư cán cân vãng lai, bộ đệm từ dự trữ ngoại hối và định giá thị trường đã tương đối hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.
Theo đánh giá của Mirae Asset, thị trường chứng khoán Việt Nam có ROE tương đối cao (15,8%), với mức P/E hợp lý (14,9 lần). Mức P/E hiện tại của VN-Index mặc dù cao hơn các thị trường cận biên và mới nổi nhưng vẫn thấp hơn nhiều thị trường trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia.
Bên cạnh đó, với triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp (cả hai đều được dự báo sẽ tốt hơn các thị trường khác), Việt Nam có khả năng duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn cùng với sự cải thiện tiêu chuẩn thị trường cũng được kỳ vọng giúp thu hút vốn ngoại.
Chỉ số VN-Index kết thúc tháng 4 ở mức 1.367 điểm, giảm 8,4% so với tháng trước, đây là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 2020 (khi Việt Nam ghi nhận có ca nhiễm Covid-19).
Tuy nhiên, theo SSI, áp lực lên các thị trường mới nổi sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong vòng 1-2 quí tới và Việt Nam nhiều khả năng sẽ không nằm ngoài xu thế khi Fed tăng lãi suất và đồng đô la tiếp tục mạnh lên.