Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vốn ngoại tiếp tục tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nỗi lo kinh tế suy thoái và lãi suất tăng đang làm lung lay các nền kinh tế đang phát triển, thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi các thị trường mới nổi trong 5 tháng liên tiếp. Đây là mạch rút tiền dài nhất từ các thị trường mới nổi được ghi nhận trong lịch sử kể từ khi dữ liệu được thống kê vào năm 2005.

Các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi cổ phiếu và trái phiếu ở các thị trường mới nổi trong bối cảnh Fed tăng mạnh lãi suất, làm gia tăng rủi ro kinh tế suy thoái kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters

Tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều mạnh mẽ

Lượng rút vốn của các nhà đầu tư quốc tế khỏi cổ phiếu và trái phiếu định danh bằng đồng nội tệ ở các thị trường mối nổi đạt 10,5 tỉ đô la trong tháng này, theo dữ liệu do Viện Tài chính quốc tế (IIF), có trụ sở ở Washington, tổng hợp. Con số đó nâng lượng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài khỏi hai tài sản này từ khu vực thị trường mới nổi trong 5 tháng qua lên tới hơn 38 tỉ đô la.

Vốn ngoại tháo chạy có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính mà nhiều nền kinh tế đang phát triển đang đối mặt. Trong ba tháng qua, Sri Lanka đã vỡ nợ chủ quyền, trong khi đó, Bangladesh và Pakistan đều đã liên hệ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tìm kiếm các gói vay giải cứu tài chính. Nhiều nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình đang chứng kiến đà sụt giá nhanh chóng của đồng nội tệ và chi phí vay tăng cao, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và mối lo ngại suy thoái đang gia tăng ở các nền kinh tế phát triển. Tuần trước, Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm trong quí thứ hai liên tiếp.

Karthik Sankaran, nhà chiến lược gia cao cấp tại Công ty tư vấn tiền tệ Corpay, cho biết: “Trong năm qua, các thị trường mới nổi như đi trên chiếc tàu ​​lượn siêu tốc”.

Theo dữ liệu từ  Ngân hàng đầu tư JPMorgan, các nhà đầu tư cũng đã rút 30 tỉ đô la trong năm nay từ các quỹ đầu tư trái phiếu ngoại tệ ở các thị trường mới nổi. Trái phiếu được định danh bằng ngoại tệ ở ít nhất 20 thị trường mới nổi và cận biện đang giao dịch với lợi suất cao hơn 10 điểm phần trăm so với lợi suất của trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Mức chênh lệch lợi suất cao như vậy thường được xem là dấu hiệu cho thấy căng thẳng tài chính nghiêm trọng và rủi ro vỡ nợ ở các thị trường này.

Điều đó đánh dấu sự đảo ngược tâm lý mạnh mẽ từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các nền kinh tế mới nổi sẽ phục hồi nhanh chóng ở thời kỳ hậu Covid-19.

Hồi cuối tháng 4 năm nay, tiền tệ và các tài sản khác ở những nền kinh tế mới nổi có thế mạnh xuất khẩu hàng hóa như Brazil và Colombia có hiệu suất tốt nhờ giá dầu và các nguyên liệu thô khác tăng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Nhưng mối lo ngại xung quanh rủi ro suy thoái, lạm phát toàn cầu, lãi suất Mỹ tăng mạnh và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại đã khiến nhiều nhà đầu tư rút lui khỏi các tài sản ở các thị trường mới nổi.

Jonathan Fortun Vargas, nhà kinh tế tại IIF, nói rằng xu hướng rút vốn xuyên biên giới đã phổ biến bất thường trên các thị trường mới nổi. Trong các đợt rút vốn trước đây, dòng tiền tháo chạy từ một khu vực này được cân bằng một phần bởi dòng tiền đổ vào khu vực khác. Ông nói: “Lần này, tâm lý nói chung của giới đầu tư là tiêu cực”.

Làn sóng rút vốn sẽ chưa dừng lại sớm

Các nhà phân tích cũng cảnh báo có rất ít triển vọng ngay lập tức về các điều kiện vĩ mô toàn cầu thuận lợi cho các thị trường mới nổi.

Adam Wolfe, nhà kinh tế học  tại Công ty Absolute Strategy Research, nói: “Lập trường hiện nay của Fed dường như rất khác so với các chu kỳ tăng lãi suất trước đây. Fed sẵn sàng mạo hiểm hơn khi nhận thức rằng để giảm lạm phát cần phải tăng lãi suất mạnh dù điều này có thể khiến nền kinh tế Mỹ suy thoái và gây mất ổn định thị trường tài chính”.

Wolfe nhận định có rất ít dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc, thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Điều đó sẽ hạn chế động lực phục hồi kinh tế ở các nước đang phát triển khác đang dựa vào Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu và một nguồn cung cấp tài chính.

Ông nói: “Hệ thống tài chính của Trung Quốc đang căng thẳng do kinh tế trì trệ trong năm qua và điều đó đã thực sự hạn chế khả năng của các ngân hàng ở nước này trong việc tiếp tục tái cấp vốn cho tất cả các khoản vay của họ dành cho các thị trường mới nổi khác”.

Dữ liệu hoạt động nhà máy ở Trung Quốc công bố hôm 31-7 làm dấy lên những lo ngại về xung lực phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 7 giảm xuống 49 điểm so với 50,2 điểm vào tháng 6.

Chỉ số này dưới 50 điểm, cho thấy hoạt động trong lĩnh vực nhà máy của Trung Quốc, động lực tăng trưởng chính cho các thị trường mới nổi nói chung, đang suy giảm. Theo các nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs, sự sụt giảm này là do “nhu cầu thị trường yếu và việc cắt giảm sản lượng ở các ngành sử dụng nhiều năng lượng”.

Việc Sri Lanka mất khả năng trả nợ nước ngoài cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về rủi ro vỡ nợ chủ quyền ở các nước đang phát triển khác.

Chẳng hạn, mức chênh lệch lợi suất trái phiếu định danh bằng ngoại tệ do chính phủ Ghana phát hành so với trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ với đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay do giới đầu tư đánh giá nguy Ghana vỡ nợ hoặc tái cơ cấu nợ đang gia tăng. Chi phí trả nợ cao đang làm xói mòn dự trữ ngoại tệ của Ghana, vốn đã giảm từ 9,7 tỉ đô la vào cuối năm 2021 xuống còn 7,7 tỉ đô la hồi cuối tháng 6.

Chi phí vay ở các nước thị trường mới nổi lớn như Brazil, Mexico, Ấn Độ và Nam Phi cũng tăng trong năm nay nhưng ở mức ít hơn so với Ghana. Nhiều nền kinh tế mới nổi lớn đã sớm hành động để chống lạm phát và đưa ra các chính sách bảo vệ họ khỏi những cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại áp dụng các biện pháp hỗ trợ đồng lira, chứ nhất quyền không tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Fortun Vargas, nhà kinh tế tại IIF, cho biết có rất ít hy vọng làn sóng bán tháo tài sản ở các thị trường mới nổi sẽ sớm dừng lại. Ông nói: “Điều đáng ngạc nhiên là tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều quá mạnh mẽ. Chỉ vài tuần trước đây, các nước xuất khẩu hàng hóa vẫn còn là điểm đến yêu thích của họ nhưng giờ đây điều ấy không còn nữa”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới