Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Vòng kim cô” của DNNN!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Vòng kim cô” của DNNN!

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) - Trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (nhà nước) đến năm 2015, được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố, có hai nội dung khá lạ so với trước. Thứ nhất là việc doanh nghiệp được phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư. Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước được chào bán ra công chúng số cổ phần đã đầu tư tại các công ty đại chúng có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Trong hoạt động kinh doanh, sai lầm trong quyết định đầu tư là điều khó tránh khỏi. Khi gặp những trường hợp như vậy, nếu là doanh nghiệp tư nhân thì họ có thể lập tức ra quyết định rút vốn, chấp nhận mất một số tiền đã bỏ ra để không bị lỗ nhiều hơn. Hoặc giả như đầu tư vào doanh nghiệp khác qua cổ phiếu, nếu nhận thấy tình hình của doanh nghiệp đó không ổn thì nhà đầu tư cũng có thể lập tức bán ngay cổ phiếu để cắt lỗ. Đây là việc làm rất bình thường.

Thế nhưng, lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước lại không thể làm cái việc rất bình thường đó. Với quy định phải “bảo toàn vốn”, việc bán lại vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách là điều không thể, nếu không được ông chủ nhà nước chấp thuận. Mà việc xin phép rồi chờ chấp thuận có khi phải mất nhiều tháng, thậm chí cả năm trời, vô tình làm cho doanh nghiệp đã sa lầy càng sa lầy nặng hơn.

Việc chủ sở hữu, mà cụ thể là nhà nước, đưa ra những quy định, những ràng buộc để kiểm soát vấn đề thất thoát vốn, tài sản của mình là điều cần thiết. Nhưng những cơ chế, chính sách ràng buộc đó nhiều khi cũng trở thành cái “vòng kim cô” trói buộc sự linh hoạt của doanh nghiệp, thậm chí gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Lâu nay chúng ta vẫn thường nói doanh nghiệp nhà nước được ưu ái, được nhà nước tạo nhiều thuận lợi hơn khu vực tư nhân. Nhưng nhìn ở góc cạnh khác, doanh nghiệp nhà nước cũng đang chịu nhiều sự trói buộc. Vấn đề bán lại vốn trong các trường hợp quyết định đầu tư sai là một ví dụ. Nếu xem xét kỹ hơn, sẽ thấy còn nhiều qui định trói buộc khác, chẳng hạn như liên quan đến chính sách chiết khấu (hoa hồng) khi bán hàng; chính sách lương, thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước; vấn đề trách nhiệm của người quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước...

Cổ phần hóa là giải pháp khả thi nhất hiện nay để giúp các doanh nghiệp nhà nước sớm gỡ bỏ được cái “vòng kim cô”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp năng động và hiệu quả hơn. Đáng mừng là Chính phủ đang rất quan tâm và muốn đẩy mạnh chương trình này. Quyết tâm này được cụ thể hóa ngay trong bản dự thảo Bộ Tài chính chuẩn bị trình Chính phủ, trong đó ghi rõ các lãnh đạo, từ doanh nghiệp nhà nước đến các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh, đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ nếu không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới