(KTSG) – Sự kiện cựu Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, người ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực chống giảm phát, bị ám sát đang làm dấy lên những hoài nghi về phương hướng chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong thời gian tới.
Truyền thông địa phương đưa tin, vào lúc khoảng 11 giờ 30 hôm nay, theo giờ địa phương, ông Shinzo Abe bị bắn khi đang phát biểu vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) cầm quyền tại thành phố Nara trước thềm cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản vào cuối tuần này.
Đài truyền hình NHK, dẫn lời cảnh sát Nhật Bản, cho biết ông Abe dường như đã bị bắn từ phía sau bằng một khẩu súng bắn đạn ghém. Sau đó, ông được đưa đến bệnh viện bằng máy bay trực thăng trong tình trạng ngừng tim. Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm Yamagami Tetsuya, 41 tuổi và tịch thu khẩu súng của hắn.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Hirokazu Matsuno xác nhận ông Abe bị bắn nhưng không rõ tình trạng sức khỏe của ông hiện nay ra sao. Matsuno cho biết một trung tâm quản lý khủng hoảng đã được thành lập tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản.
Mặc dù đã rời nhiệm sở, ông Abe vẫn có ảnh hưởng lớn với đảng cầm quyền LDP và đang kiểm soát một trong những nhóm chính của đảng này.
Tin tức ông Abe bị ám sát đã gây ra những tác động nhất định đối các thị trường tài chính của Nhật. Chỉ số chứng khoán Tokyo (Topix) thu hẹp đà tăng và chỉ còn tăng 0,6% trong đầu phiên giao dịch chiều. Trong khi đó, đồng yen tăng 0,3% lên ở mức 135,63 yen ăn 1 đô la Mỹ khi giới phân tích nhận định rủi ro bất ổn chính sách tiền tệ của Nhật Bản sau vụ ám sát sẽ khiến các nhà giao dịch tìm đến những tài sản an toàn.
Ông Abe là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản với bốn nhiệm kỳ trong giai đoạn 2006-2007 và 2012- 2020. Trong thời kỳ cầm quyền, ông Abe theo đuổi các chính sách kinh tế, mà giới phân tích gọi là “Abenomics”, tập trung vào 3 mục tiêu: tăng nguồn cung tiền để chống giảm phát, tăng chi tiêu công để kích thích tăng trưởng và cải cách quản lý và kinh tế để giúp Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Phản ứng ban đầu của các thị trường cho thấy giới đầu tư lo ngại vụ ám sát có thể tác động đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty chứng khoán Matsui Securities, lưu ý ông Abe là người ủng hộ mạnh mẽ Thống BOJ, Haruhiko Kuroda, vì vậy, chính sách nới lỏng tiền tệ của BOJ có thể thay đổi nếu mất đi sự ủng hộ này.
Kubota nói: “Đảng cầm quyền LDP đang thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách Abenomics ngay cả sau khi Thủ tướng Fumio Kishida lên nắm quyền. Nếu hoạt động chính trị của người đã nỗ lực hết sức mình vì chính sách này kết thúc, điều đó sẽ gây ra những tác động vào lúc này”.
Kubota nhận định vụ ám sát có thể gây tác động trung hạn và dài hạn đến các thị trường tài chính Nhật Bản với đồng yen sẽ tăng giá đáng kể nhưng giá cổ phiếu sẽ sụt giảm.
Mari Iwashita, nhà kinh tế thị trường trưởng tại Công ty Daiwa Securities, nhận định ông Abe nổi tiếng ở nước ngoài hơn ông Kishida nên phản ứng trên thị trường tiền tệ có thể lớn hơn khi các sàn giao dịch ở các nước phương Tây mở cửa.
Iwashita nói: “Ông ấy đã dẫn dắt chính sách Abenomics nên có thể nhận thức bên ngoài về Nhật Bản sẽ thay đổi”.
Masahiro Yamaguchi, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Ngân hàng SMBC Trust Bank cho biết: “Abe nổi tiếng bên ngoài Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận ông ấy một cách tích cực. Vụ ám sát có thể gây tác động tiêu cực cho thị trường nếu chính sách của chính phủ Nhật Bản, bao gồm cả lập trường kiên định với nới lỏng tiền tệ, bị ảnh hưởng vì rõ ràng là ông Abe là người chi phối ở hậu trường theo nhiều cách”.
Nhưng các nhà chiến lược thị trường cho rằng vụ ám sát sẽ không tác động nghiêm trọng đến các thị trường vì ông Abe không còn nắm quyền.
Rodrigo Catril, nhà chiến lược ngoại hối cấp cao tại Ngân hàng quốc gia Úc (NAB), nói: “Thị trường có chút xáo trộn về tổng thể nhưng nhìn rộng ra, đồng yen vẫn giao dịch trong trong biên độ gần đây của nó”.
Fukuhiro Ezawa, giám đốc phụ trách các thị trường tài chính Nhật Bản tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết: “Vì ông Abe không còn là thủ tướng đương nhiệm nên các phản ứng của thị trường có lẽ chỉ là tạm thời”.
Theo Bloomberg, Financial Times