Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vụ M&A của ITL và Sotrans có vi phạm Luật Cạnh tranh?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vụ M&A của ITL và Sotrans có vi phạm Luật Cạnh tranh?

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã gửi văn bản đề nghị Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển In Do Trần (ITL) và Công ty cổ phần kho vận miền Nam (Sotrans) báo cáo về việc ITL mua hơn 50% cổ phần của Sotran mà không thông báo về việc tập trung kinh tế.

Vụ M&A của ITL và Sotrans có vi phạm Luật Cạnh tranh?
ITL Group thông báo việc hoàn tất thương vụ M&A trên trang web chính thức của mình. Ảnh: ITL

Ngày 12-6-2020, theo cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, ITL sẽ mua lại 57,199 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans) để nâng tỷ lệ sở hữu tại Sotrans từ 41,784% lên 100%.

Hiện tại Sotrans đang niêm yết trên sàn HOSE hơn 98,2 triệu cổ phiếu với giá trị vốn hóa tương đương 1.803 tỉ đồng. Ước tính theo giá cổ phiếu kết phiên ngày 17-8 ở mức 18.350 đồng, giao dịch dự kiến có giá trị khoảng hơn 1.780 tỉ đồng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng vụ việc này cần thực hiện thông báo tập trung kinh tế theo quy định tại điều 33 và điều 34 Luật Cạnh tranh 2018 trong trường hợp các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế theo hướng dẫn chi tiết của luật này.

Tại điều 13, Nghị định 35/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế (trừ các doanh nghiệp trong lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán) phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trước khi tập trung kinh tế nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

1/ Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỉ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

2/ Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỉ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

3/ Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỉ đồng trở lên.

4/ Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Trước đó, hồi tháng 3-2020, theo thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, Sotrans chấp nhận cho ITL nâng tỷ lệ sở hữu tối đa 100% tổng số phiếu có quyền biểu quyết của Sotrans mà không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định của pháp luật. ITL là một trong hai cổ đông lớn nhất của Sotrans với sở hữu 41,78% vốn điều lệ, hoạt động chính là kinh doanh logistics như Sotrans. Cổ đông khác là Công ty TNHH Gelex Logistic – một công ty con của Công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex) sở hữu 54,8%.

Với việc thâu tóm Sotrans thông qua mua lại nốt số cổ phần rất lớn từ Gelex, ITL Corp – công ty chuyên cung cấp các dịch vụ logistics tích hợp, đại diện hàng không và tổng đại lý khai thác hàng hóa cho hơn 22 hãng hàng không, trên 300 chuyến bay mỗi tuần, chưa kể đến các dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế, vận tải đường biển… đã gia tăng sức mạnh đáng kể trên thị trường logistics Việt Nam. Sotrans Group có kinh nghiệm lâu năm trong ngành giao nhận vận tải quốc tế, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và dịch vụ kho chứa đa chức năng tại Việt Nam với diện tích hơn 230 ngàn m2 kho bãi. Doanh nghiệp này cũng sở hữu hệ thống cảng cạn Sotrans ICD, cảng Sowatco Long Bình và Depot Sotrans Mỹ Phước.

Sự kết hợp giữa ITL và Sotrans càng làm gia tăng sức mạnh của các doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên thị trường logistics Việt Nam. Hiện thị trường logistics trị giá 40 tỉ đô la Mỹ/năm, có khoảng 30 công ty logistics FDI, chiếm 70-80% thị phần. 

Theo Luật cạnh tranh 2018, tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây: (1) Sáp nhập doanh nghiệp; (2) Hợp nhất doanh nghiệp; (3) Mua lại doanh nghiệp; (4) Liên doanh giữa các doanh nghiệp; (5) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật (Điều 29).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới