(KTSG Online) - Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 8-1, diện tích trồng lúa của vụ mùa đông xuân 2022-2023 ở khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ chưa có nước để gieo, cấy lúa chiếm hơn 82% tổng diện tích gieo trồng.
- Chuẩn bị phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong vụ đông xuân
- Vì sao cần tập trung vào giống lúa thơm và chất lượng cao trong vụ đông xuân tới?
Baochinhphu.vn đưa tin, kế hoạch dẫn nước vào ruộng đợt 1 để tiến hành gieo, cấy lúa vụ mùa đông xuân 2022-2023 sẽ được vận hành đến hết ngày 9-1.
Tổng cục Thủy lợi thông tin, tổng diện tích gieo trồng vụ lúa mùa đông xuân 2022-2023 của 11 tỉnh thành phố thuộc khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ khoảng 498.700 héc-ta. Trong đợt 1, diện tích đất trồng lúa đã có nước gieo, cấy đạt 86.000 héc-ta. Như vậy vẫn còn hơn 82% diện tích chưa có nước cho đợt gieo, cấy lúa này.
Mực nước trung bình được đo vào hôm qua (ngày 8-1) tại trạm thủy văn Hà Nội đạt 1,55m; cao nhất là 1,9m vào thời điểm 11 giờ đến 12 giờ.
Trong lần dẫn nước vào ruộng đợt 1, các địa phương chủ yếu dùng nước để thau chua, rửa mặn, thau rửa hệ thống thủy lợi, tích trữ nước vào hệ thống kênh mương, vùng trũng.
Theo TTXVN, các địa phương có mức dẫn nước gieo, cấy lúa đạt tỉ lệ cao như tỉnh Phú Thọ đạt khoảng 40% diện tích gieo trồng, Nam Định 39%, Ninh Bình 33%, Hà Nam 25%, Hải Phòng 19%, Vĩnh Phúc 14%.
Tổng cục Thủy lợi cũng đã ban hành công điện về việc tổ chức lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy lúa vụ lúa mùa đông xuân 2022-2023 ở khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành hướng dẫn các đơn vị quản lý khai thác, vận hành công trình thủy lợi và các phương tiện để dẫn nước vào ruộng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo duy trì lượng dòng chảy theo yêu cầu, nhất là tại trạm thủy văn Hà Nội duy trì ở mức trung bình khoảng 1,7 m để tạo điều kiện thuận lợi cho các trạm bơm và công trình thủy lợi.