Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vướng pháp lý nhưng lại không phải do pháp lý!

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ “Về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra hồi đầu tháng 8-2023, đại diện Bộ Xây dựng cho biết sau khi được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn và giải đáp, các địa phương đã tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hàng trăm dự án bất động sản. Riêng tại Hà Nội đã giải quyết được 419 trong tổng số 712 dự án; còn tại TPHCM, có 67 trong số 180 dự án gặp vướng mắc được giải quyết.

Đây là kết quả khá tích cực sau gần sáu tháng vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là kết quả trên đạt được trong khi việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vẫn còn trong giai đoạn “trình Quốc hội” – một yêu cầu tiên quyết để tháo gỡ những trở ngại về thể chế pháp luật.

Điều đó cho thấy hàng trăm dự án đã được các địa phương giải quyết vướng mắc về pháp lý trong những tháng qua thật ra lại không phải bị cản trở bởi các quy định của pháp luật. Điều này được thể hiện khá rõ ràng qua cách thức mà Tổ công tác của Thủ tướng đã thực hiện để dẫn tới kết quả nêu trên, nó chỉ gói gọn trong vài chữ: “hướng dẫn”, “giải đáp” và “đôn đốc” địa phương giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.

Rõ ràng, vấn đề cấp bách nhất cần “sửa đổi” ở đây để khai thông ách tắc, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững như tinh thần Nghị quyết 33 của Chính phủ, không phải ở thể chế pháp luật, mà là thái độ làm việc của cán bộ, công chức ở các cơ quan thực thi pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình thẳng thắn rằng một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, chậm xử lý, không dám đề xuất, không dám quyết định. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, cần linh hoạt, chủ động, sáng tạo hơn, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành cần đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa(*).

Lẽ đương nhiên, hành lang pháp lý cho ngành kinh doanh bất động sản vẫn còn không ít bất cập và đó là lý do Chính phủ và Quốc hội đang cùng nỗ lực sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Với những gì Chính phủ và Quốc hội đang thực hiện, doanh nghiệp có thể hy vọng những bất cập về thể chế luật pháp sẽ sớm được khắc phục.

Vấn đề khó khăn nhất là làm sao để những quy định của pháp luật được thực thi một cách thông suốt, vì nếu cán bộ, công chức cứ tiếp tục “sợ sai, sợ trách nhiệm” dẫn đến “đùn đẩy, chậm xử lý, không dám đề xuất, không dám quyết định” và việc phối hợp giữa các ngành, các cấp vẫn kém cỏi, thì doanh nghiệp sẽ còn bất an với cơn ác mộng “vướng mắc pháp lý”, và Chính phủ sẽ còn phải tiếp tục thành lập các Tổ công tác để đi đôn đốc, hướng dẫn và giải đáp thì mới có hy vọng được khai thông.

(*) https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1173/77233/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nghi-quyet-33-va-de-xuat-cac-giai-phap-thao-go-kho-khan-vuong-mac-cho-thi-truong-bat-dong-san.aspx

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới