Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vượt qua ‘lời nguyền’ thì nông dân mới ‘sống’ được

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng cần phá thế độc canh cây lúa để người nông dân “sống” được. Song, việc tiếp cận hướng chuyển đổi mới cần bằng tư duy mới, tránh chuyển rủi ro từ ngành hàng này sang ngành hàng khác.

Cần phá thế độc canh cây lúa để người nông dân “sống” được. Ảnh: TRUNG CHÁNH

Phá thế độc canh lúa là cần thiết, nhưng...

Lúa gạo - ngành hàng chủ lực ở ĐBSCL - ngoài góp phần đảm bảo an ninh lương thực, còn xuất khẩu mang về cho đất nước trên dưới 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm (11 tháng đầu năm 2021 đạt 3,035 tỉ đô la Mỹ). Song, thực tế hiện nay là người nông dân vẫn chưa thể “sống” được từ cây lúa - vốn là loại cây trồng mà họ đã gắn bó bao đời nay.

Tại talkshow “Nông nghiệp, nông thôn để nông dân “sống” được” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào tuần rồi, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thừa nhận ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng từng một thời phát triển nhờ lúa gạo; từ sản xuất lúa một vụ, chuyển sang hai vụ, thậm chí xây đê bao để sản xuất lúa ba vụ.

Theo ông Hoan, thời điểm đó, có không ít nhà khoa học đưa ra lời cảnh báo sản xuất lúa liên vụ là mô hình sẽ đánh đổi rất nhiều, nhất là về chất dinh dưỡng trong đất, dịch bệnh và chi phí sẽ tăng lên. Nhưng, “Ở thời điểm đó, nó cũng có một phần đóng góp vào sự phát triển của địa phương và thu nhập của người nông dân”, ông nói.

Ông Hoan nêu câu hỏi và cho rằng, sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tư duy ngắn hạn” là “lời nguyền” về sự yếu kém của nền nông nghiệp, cho nên, phải tổ chức lại sản xuất để vượt qua “lời nguyền” đó.

Tuy nhiên, hiện nay ngành nông nghiệp không thể cứ mãi bảo thủ vào cách nhìn như ngày xưa được nữa, tức quá chú trọng vào chỉ tiêu gia tăng sản lượng. “Thực tế, ngay lúc tôi là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, tôi cũng chưa bao giờ đề ra một chỉ tiêu về lúa gạo. Bản thân diện tích đất để sản xuất lúa nó mặc nhiên quy ra một chỉ tiêu, chứ không phải là sự áp đặt từ trên xuống dưới”, ông Hoan nói.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết, khi ông nghe thông tin có những mô hình chuyển đổi đất lúa sang “kết hợp” lúa với một loại hình khác như: thủy sản, trồng cây công nghiệp ngắn ngày hay làm vườn thì ông rất háo hức, bởi đó là những tín hiệu để thấy sự thay đổi.

“Tôi luôn cố gắng tiếp cận để cách nào đó có thể lan tỏa được những mô hình trong điều kiện tương đồng như thế. Bởi, tôi quan niệm có rất nhiều cách để giảm sản lượng lúa như: Quốc hội vừa rồi quyết định giảm từ 3,8 triệu héc ta xuống còn 3,5 triệu héc ta hoặc cùng diện tích có thể giảm vụ để luân canh, xen canh hoặc đa canh trên cùng diện tích để giảm lúa”, ông cho biết.

Tuy nhiên, khi khảo sát những mô hình chuyển đổi, ông Hoan luôn cảnh báo với người nông dân và chính quyền địa phương rằng: “Chúng ta đang bị rủi ro ở ngành hàng lúa gạo, chúng ta phải chuyển đổi. Nhưng, đừng để rủi ro từ ngành hàng lúa gạo chuyển sang những ngành hàng khác”.

Thực tế, câu chuyện chuyển đổi từ đất sản xuất lúa sang trồng mít Thái trong khoảng 3-4 năm trở lại đây ở ĐBSCL, dù đã giúp loại cây trồng này lọt vào nhóm năm loại cây ăn trái có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (10 tháng đầu năm 2021 đạt gần 140 triệu đô la Mỹ, tăng 49,5% so với cùng kỳ). Thế nhưng, ngoài chịu rủi ro năng suất suy giảm, độ thích ứng kém dần, thì mít Thái đang còn bị rủi ro về thị trường tiêu thụ khi có hàng ngàn container (không ít trong đó là mít Thái) không thể thông quan ở biên giới phía Bắc.

“Tôi nghĩ rằng, sắp tới, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, nhưng trước tiên, lãnh đạo địa phương cũng cần phải thay đổi, bởi nếu không chuẩn bị là chúng ta chuyển rủi ro từ ngành hàng này sang ngành hàng khác”, ông Hoan nói.

Phải làm “cuộc cách mạng” tổ chức lại sản xuất

GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng sản xuất nông nghiệp xưa nay của người nông dân rất “tự do”, tức muốn trồng, chặt tùy thích, không có ai tổ chức. “Nhưng, chính điều này đã kéo dài cái nghèo của bà con nông dân”, ông nói.

Theo ông Xuân, nhược điểm của người nông dân, thậm chí cả doanh nghiệp, là không biết rõ nhu cầu của thị trường, chẳng hạn, thị trường Mỹ cần gì, Canada, châu Âu cần gì? “Tôi nghĩ hướng tới, Bộ NN&PTNT có thể nắm được thông qua thương vụ của mình ở các nước để thông tin về nhu cầu, tập quán họ dùng sản phẩm nông sản như thế nào để từ đó bộ đánh giá viễn cảnh nước ngoài cần những hàng gì, có thể sản xuất ở vùng sinh thái nào”, ông Xuân gợi ý.

Từ nhu cầu thị trường, Bộ NN&PTNT có trao đổi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu thêm, ký kết hợp đồng, sau đó, quay về tổ chức sản xuất. “Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải thành lập hợp tác xã và ngành nông nghiệp phải huấn luyện cho nông dân, nhà khoa học thì cung cấp kỹ thuật để nông dân sản xuất thành một vùng nguyên liệu rộng lớn, giúp doanh nghiệp có đủ hàng hóa chế biến ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng”, ông cho biết.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam là tiến trình được xem như “cuộc cách mạng” để tổ chức lại sản xuất, chứ không phải về khoa học công nghệ để tăng năng suất, tăng sản lượng nữa. “Nếu không tổ chức lại sản xuất, thì tất cả chúng ta đều giậm chân tại chỗ vì nó đã đạt đến ngưỡng (tăng trưởng) rồi”, ông nói.

“Tại sao tôi nói như vậy?”, ông Hoan nêu câu hỏi và cho rằng, sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tư duy ngắn hạn” là “lời nguyền” về sự yếu kém của nền nông nghiệp, cho nên, phải tổ chức lại sản xuất để vượt qua “lời nguyền” đó.

Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển sắp tới, Bộ NN&PTNT xoay quanh ba vấn đề: hợp tác, liên kết và thị trường. “Một là hợp tác giữa những người sản xuất với nhau thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác và liên hiệp hợp tác xã; hai là liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và ba là lấy thị trường để điều chỉnh kinh doanh sản xuất, chứ không phải sản xuất điều chỉnh thị trường. Ba vòng tròn đó là trọng tâm phải đeo đuổi”, ông Hoan nhấn mạnh.

Mặt khác, Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho biết, đơn vị này đang xây dựng đề án phát triển thị trường nông sản, đặc biệt là trái cây xuất khẩu qua những thị trường tiềm năng để trình Chính phủ. “Chúng tôi đã làm việc với các vị đại sứ ở châu Âu, các thương vụ, tham tán ở bên đó để xây dựng đề án chuẩn hóa, đồng bộ quy trình sản xuất nhằm hướng tới xuất khẩu qua thị trường tiềm năng này”, ông cho biết và nhấn mạnh, muốn vậy phải xây dựng vùng nguyên liệu đạt yêu cầu của thị trường châu Âu, kể cả đầu tư công nghệ bảo quản, kéo giảm giá chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh.

Theo ông Hoan, sắp tới đây, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tổ chức các lớp nâng cao năng lực, kỹ năng và kiến thức cho nông dân, chứ không giúp bằng giống, bởi chỉ có nông dân thay đổi, thì nông nghiệp mới thay đổi. Khi đó, người nông dân mới sống được với nông nghiệp, nông thôn.

2 BÌNH LUẬN

  1. Lời nguyền lớn nhất mà người nông dân đã thực hiện một cách hoàn hảo với dân ta, với nước ta, đó là “Đủ cơm để ăn/ Thừa gạo xuất khẩu”. Bây giờ có lẽ không còn lời nguyền nào lớn hơn nữa. Hay nói khác đi, mọi người trong chúng ta còn nợ người nông dân một điều rất lớn. Đó là làm sao để cuộc sống của nông dân/ nông thôn ngày càng văn minh và hạnh phúc.

  2. Nền nông nghiệp cần hợp tác xã hay không tôi không biết, nhưng tôi chắc chắn rằng những người nông dân làm lúa chẳng cần gì phải có hợp tác xã mới phát triển được.
    Cụ thể, huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp có một hợp tác xã nhưng hợp tác xã này chỉ khác nông dân bên ngoài là có trạm bơm nước chung của hợp tác xã, còn lại các khâu sản xuất khác thì cũng như nông dân bên ngoài.
    Bộ Nông nghiệp thử viết một bài viết đàng hoàng về lợi ích của người nông dân làm lúa cho nông dân chúng tôi thêm hiểu biết để tin tưởng chứ nói thật nông dân làm lúa nghe đến hợp tác xã là sợ nổi da gà rồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới