Chủ Nhật, 20/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vượt thanh long, sầu riêng trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sầu riêng đã chính thức vượt mặt thanh long để trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đây là kết quả vô cùng ấn tượng bởi vào năm ngoái, khoảng cách về mặt kim ngạch giữa hai loại trái cây này vẫn còn rất xa.

Sầu riêng trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Nguyên Việt

Số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 1,437 tỉ đô la Mỹ (6 tháng đạt 2,75 tỉ đô la Mỹ- PV), trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt trên 526 triệu đô la Mỹ, tăng 1.038,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, sầu riêng đã vươn lên trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và bỏ xa loại có kim ngạch đứng thứ hai là thanh long (kim ngạch xuất khẩu thanh long 5 tháng đầu năm nay đạt trên 303,1 triệu đô la Mỹ, giảm 10,7% so với cùng kỳ- PV); chuối, xoài và mít là ba loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3, 4 và 5 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay lần lượt đạt 171,9 triệu đô la Mỹ, 116,2 và 109 triệu đô la Mỹ.

Việc sầu riêng vươn lên trở thành loại trái cây xuất khẩu lớn nhất Việt Nam được xem là kết quả vô cùng ấn tượng. Bởi lẽ, cả năm ngoái, sầu riêng chỉ mang về cho Việt Nam trên 420 triệu đô la Mỹ trong khi thanh long đạt gần 633 triệu đô la Mỹ.

Còn nếu nhìn lùi về trước thêm một năm, tức năm 2021, thì thanh long mang về cho Việt Nam 1,031 tỉ đô la Mỹ trong khi sầu riêng đạt chưa đến 178 triệu đô la Mỹ, tức chiếm chưa đến 17% kim ngạch của thanh long.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo, năm nay sầu riêng sẽ mang về cho Việt Nam khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu và sẽ tăng lên 2 tỉ đô la Mỹ sau đó 1-2 năm.

Sầu riêng Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ về kim ngạch sau khi được thị trường Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu chính ngạch vào đây và lô hàng đầu tiên được bán vào quốc gia này kể từ tháng 9 năm ngoái.

Theo đó, số liệu thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 96,25% tổng kim ngạch của ngành hàng này.

Tuy nhiên, số lượng sầu riêng của Việt Nam bán vào Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn hơn so với các đối thủ cạnh tranh, bởi theo Cơ quan hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2023, quốc gia này đã nhập khẩu lên đến 535.520 tấn, trị giá xấp xỉ 2,66 tỉ đô la Mỹ, tăng 90,2% về lượng và 83,3% về giá trị so với cùng kỳ. Trong đó, Thái Lan vẫn là nguồn cung lớn nhất cho Trung Quốc khi chiếm đến 84,57% tổng kim ngạch.

Được biết, cả nước hiện có khoảng 6.500 vùng trồng tại 53 địa phương và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 địa phương được cấp mã xuất khẩu với 25 sản phẩm như: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang, sầu riêng…

Riêng đối với sầu riêng, đã có ít nhất 293 mã số vùng trồng và 115 mã số cơ sở đóng gói đã được Tổng cục hải quan Trung Quốc (GACC) cấp đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. Dự kiến sẽ có thêm 400 mã vùng trồng và 60 mã cơ sở đóng gói sẽ tiếp tục được cấp phép khi Cơ quan quản lý Việt Nam đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới