Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

WB đề xuất lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông chạy bằng điện ở Việt Nam

Hoài Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng Thế giới (WB) đã có báo cáo đề xuất lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam.

Một trạm sạc pin công cộng dành cho xe ô tô điện. Ảnh minh họa: vinfast.vn

Theo báo cáo được WB công bố, lộ trình chuyển đổi sang xe điện và khử phát thải cacbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam cần tập trung vào năm trụ cột. Cụ thể là sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện và đào tạo nhân lực chất lượng cao, TTXVN đưa tin.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 50% phương tiện đô thị và toàn bộ xe buýt, taxi sẽ chạy điện. Mục tiêu đến năm 2050 là chuyển đổi hoàn toàn các phương tiện giao thông đường bộ sang chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh. Quá trình chuyển đổi này sẽ giúp giảm 5,3 triệu tấn phát thải CO2 (tương đương 8% chỉ tiêu giảm phát thải của Việt Nam) vào năm 2030 và 226 triệu tấn (tương đương 60% chỉ tiêu) vào năm 2050.

Đến năm 2035, xe hai bánh vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân Việt Nam và sẽ dẫn đầu xu hướng chuyển đổi sang xe điện. Sau năm 2035, ô tô cá nhân sẽ trở thành phương tiện đi lại phổ biến tại Việt Nam. Nếu hệ thống trạm sạc được phát triển đầy đủ, xe điện có thể là lựa chọn hàng đầu của những người mua ô tô lần đầu.

Việc chuyển đổi sang xe điện đặc biệt quan trọng đối với phương tiện công cộng và thương mại. Mặc dù xe buýt và xe tải chỉ chiếm 2% tổng số phương tiện đăng ký nhưng lại thải ra tới 65% lượng khí thải.

Để thúc đẩy xe buýt điện, các cơ quan chức năng cần những chính sách mạnh mẽ nhằm tăng lượng hành khách, cập nhật tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo tính khả thi về tài chính. Đối với xe tải, việc phát triển xe điện dưới 5 tấn là giải pháp đầy triển vọng. Riêng với xe tải hạng nặng, cần nâng cao tiêu chuẩn nhiên liệu và khuyến khích chuyển đổi vận chuyển hàng hóa sang đường sắt, đường thủy để giảm khí thải.

Từ nay đến năm 2030, nhu cầu sạc xe điện sẽ chưa tạo áp lực lớn lên ngành điện Việt Nam, nhưng sẽ tăng mạnh sau đó. Đến năm 2035, để đáp ứng nhu cầu sạc, ngành điện cần tăng sản lượng thêm 5% và nâng công suất mạng lưới thêm 4%. Đến năm 2050, con số này sẽ lần lượt là 30% và 15% nếu muốn đạt mục tiêu phát triển xe điện. Để đáp ứng những nhu cầu trên, Việt Nam cần đầu tư thêm cho ngành điện là 9 tỉ đô la Mỹ đến năm 2030 và 14 tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn 2031-2050.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới