Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo suy thoái

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu như đang trong tình thế nguy nan và đối mặt rủi ro rơi vào suy thoái trong năm nay nếu các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Trong báo cáo “Các triển vọng kinh tế toàn cầu” phát hành hôm 10-1, WB đã hạ dự báo kinh tế toàn cầu xuống còn 1,7% trong năm nay, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2022.

Theo báo cáo, nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ và khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) sẽ tăng trưởng lần lượt 4,3%, 0,5% và 0% trong năm nay.

WB dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2022. Ảnh: Bloomberg

WB cho rằng, bất kỳ diễn biến bất lợi mới nào, chẳng hạn như lạm phát cao hơn dự kiến, lãi suất đột ngột tăng để kiểm soát lạm phát, sự tái trỗi dậy của đại dịch Covid-19 hoặc các căng địa chính trị leo thang đều có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

“Những rủi ro mà chúng tôi cảnh báo sáu tháng trước đã thành hiện thực và kịch bản xấu nhất hiện là kịch bản cơ bản của chúng tôi. Nền kinh tế thế giới như đang đi trên lưỡi dao và có thể dễ dàng rơi vào suy thoái nếu các điều kiện tài chính thắt chặt”, Ayhan Kose, chuyên gia kinh tế của WB nói.

Nếu dự báo ảm đạm của WB thành hiện thực, thập niên hiện tại sẽ trở thành thập niên đầu tiên chứng kiến nền kinh tế toàn cầu trải qua hai lần suy thoái kể từ thập niên 1930.

Báo cáo của WB lặp lại các dự báo tương tự của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuần trước, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua suy thoái trong năm nay.

WB hạ dự báo tăng trưởng của 95% các nền kinh tế phát triển và hơn 70% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi so với 6 tháng trước.

“Có rất nhiều tranh luận về việc liệu Mỹ và khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) có rơi vào suy thoái hay không. Nhưng dù các nền kinh tế này có suy thoái hay không không về mặt kỹ thuật, họ vẫn sẽ cảm thấy như đang trải qua một cơn suy thoái”, Kose nói.

Theo WB, các nền kinh tế phát triển sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm nay, giảm so với mức 2,5% vào năm ngoái. Ở phần còn lại của thế giới, tăng trưởng dự kiến đạt 3,4%, không thay đổi so với năm ngoái. Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc, các nước đang phát triển chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, giảm từ mức 3,8% vào năm 2022, WB nhận định.

WB cho rằng lạm phát cao, lãi suất cao, đầu tư giảm và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc cuộc xung đột Nga-Ukraine là nguyên nhân dẫn đến những điều chỉnh giảm trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Ayhan Kose kỳ vọng giá năng lượng giảm trong thời gian gần đây sẽ mang lại một số hỗ trợ cho kinh tế thế giới. Mặc dù lạm phát toàn phần sẽ giảm nhờ chi phí năng lượng thấp hơn nhưng lạm phát cốt lõi, không bao gồm các mặt hàng có giá cả biến động mạnh như năng lượng và thực phẩm vẫn là một mối lo ngại.

“Có rất nhiều rủi ro đối với dự báo cơ sở của chúng tôi. Mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng là các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất lên cao hơn nữa để giải quyết lạm phát và giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi lạm phát thực sự nằm trong tầm kiểm soát”, Kose nói.

Ông cho biết hiện nay, lãi suất toàn cầu trung bình là 5%. Nếu mức lãi suất này tăng thêm 1 điểm phần trăm, tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm nay sẽ giảm từ mức dự báo 1,7% xuống còn  0,6%, với sản lượng bình quân đầu người giảm 0,3% sau khi tính đến những thay đổi về dân số. Mức tăng trưởng như vậy đáp ứng “định nghĩa kỹ thuật về suy thoái kinh tế toàn cầu”.

Mối lo ngại thậm chí còn lớn hơn trong dài hạn là sự sụt giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng đầu tư này đã giảm từ 11% trong năm 2010, xuống còn 3,4% trong năm 2019 và giảm sâu hơn trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

WB dự kiến tốc độ tăng trưởng đầu tư ở các nền kinh tế này sẽ duy trì ở mức 3,5% cho đến ít nhất là năm 2024. Điều này sẽ hạn chế triển vọng tăng trưởng trong tương lai.

Kose cho rằng với tốc độ tăng trưởng đầu tư chậm như vậy, các nước đang phát triển không thể kỳ vọng về bất cứ sự nâng cấp nào cho tốc độ sản lượng kinh tế. Đơn giản là vì những nước này không thể ứng phó những thách thức của biến đổi khí hậu, nghèo đói và hệ thống giáo dục và y tế còn yếu kém.

Theo WB, tác động lây lan từ thời kỳ tăng trưởng suy yếu rõ rệt ở Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang làm trầm trọng thêm cản lực khác mà các nước nghèo hơn phải đối mặt. Trong khi lạm phát đang dịu lại, có những dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang trở nên dai dẳng hơn.

“Sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm, điều kiện tài chính thắt chặt và nợ nần chồng chất có thể làm suy yếu hoạt động đầu tư và gây ra tình trạng vỡ nợ của các doanh nghiệp... Hành động khẩn cấp là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và căng thẳng nợ”, WB nhận định.

Theo Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới