(KTSG Online) - Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường carbon tự nguyện thông qua đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
- Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao đang gặp những thách thức nào?
- Doanh nghiệp làm những gì khi tham gia đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao?
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi phát động triển khai đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam từ ngày 12 đến 15-12-2023 ở Hậu Giang, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đề án này sẽ hỗ trợ cho nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho ngành kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người dân.
“WB cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ đề án này thông qua các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường carbon tự nguyện. Tương lai chúng ta có thể sử dụng được một nguồn tài chính bền vững để tiếp tục các hoạt động phát triển và sinh kế”, Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT trích dẫn ý kiến của bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, đây là đề án gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, với mục tiêu hình thành được 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.
Trong quá trình triển khai đề án này, Bộ NN&PTNT và các đối tác sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo...
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), đây là dự án đầu tiên trên thế giới có quy mô lớn theo hướng này. Dự án giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo, đó là tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu”.
Theo Cục trồng trọt, nguồn vốn cho dự án này đến từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương; nguồn tín dụng, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn hỗ trợ quốc tế khác.
Bên cạnh đó, Cục trồng trọt tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính chuyển đổi tài sản carbon (TCAF) của WB để hỗ trợ cho dự án này.
Thị trường carbon tự nguyện (VCM) được hiểu là hoạt động mua bán toàn cầu về quyền yêu cầu trách nhiệm đối với việc giảm phát thải khí nhà kính (GHG) hoặc loại bỏ hoàn toàn GHG khỏi khí quyển. Các quyền này được các công ty giao dịch dưới dạng token được gọi là tín dụng carbon, có thể được bán nhiều lần, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
VCM đã phát triển trong hơn hai thập niên, nhưng phải trong ba năm gần đầy, giá trị tiền tệ của nó mới tăng nhanh nhất, đạt 2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021. Các nhà phân tích ước tính rằng con số này có thể tăng lên hàng chục tỉ đô la vào năm 2030.