(KTSG Online) – Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại rõ rệt vào năm 2024, với mức tăng 4,5% so với 5,2% theo dự kiến của năm 2023, bất chấp xung lực phục hồi gần đây nhờ tăng trưởng đầu tư ở các nhà máy, lĩnh vực xây dựng và nhu cầu của ngành dịch vụ, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong một báo cáo phát hành hôm 14-12.
- Trung Quốc tăng phát hành trái phiếu để kích thích kinh tế
- Giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 3 năm
Báo cáo của WB ghi nhận, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi sau nhiều cú sốc, bao gồm đại dịch Covid-19. Nhưng đà phục hồi này vẫn “mong manh” do sự suy yếu của thị trường bất động sản và nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc cũng như các mức nợ cao trong nền kinh tế và niềm tin yếu ớt của người tiêu dùng.
WB ước tính, tăng trưởng của Trung Quốc đạt 5,2% trong năm nay nhưng sẽ chậm lại về mức 4,5% trong năm 2024 và 4,3% trong năm 2023.
Kinh tế Trung Quốc biến động mạnh trong vài năm qua, với mức tăng trưởng dao động từ 2,2% trong năm 2020 lên 8,4% trong năm 2021 và rơi xuống 3% hồi năm ngoái. Các hạn chế nghiêm ngặt đối với đi lại và các hoạt động khác trong thời kỳ Covid-19 đã gây tổn thương cho lĩnh vực sản xuất và vận tải của Trung Quốc. Tình trạng thất nghiệp tăng cao do sự xáo trộn này và chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ, kết hợp với cơn suy thoái của ngành bất động sản khiến nhiều người dân Trung Quốc siết chặt hầu bao.
Báo cáo của WB lưu ý, hầu hết các việc làm được tạo ra trong thời kỳ phục hồi của Trung Quốc đều là công việc có tay nghề thấp trong các ngành dịch vụ với mức lương thấp. Người dân Trung Quốc cũng thận trọng chi tiêu vì mạng lưới an sinh xã hội của đất nước còn yếu và thực tế là dân số đang già hóa nhanh chóng, đặt gánh nặng hỗ trợ người già lớn hơn lên thế hệ trẻ.
“Triển vọng kinh tế của Trung Quốc có rủi ro suy giảm đáng kể”, WB cho biết, đồng thời cảnh báo cơn suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản sẽ có tác động lan tỏa rộng hơn và sẽ tiếp tục siết chặt tài chính của khu vực chính quyền địa phương vốn đã căng thẳng, trong khi nhu cầu toàn cầu yếu hơn gây rủi ro cho các nhà sản xuất.
Báo cáo nhấn mạnh, Trung Quốc cần theo đuổi các cải cách cấu trúc sâu rộng. WB nhận định, các động thái của chính quyền trung ương nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho các chính quyền địa phương đang thiếu tiền mặt sẽ giúp cải thiện niềm tin vào nền kinh tế.
Tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương hàng năm vào đầu tuần này, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đề cập đến các vấn đề đó nhưng không cung cấp chi tiết về các chính sách ưu tiên trong năm tới.
WB cho biết, đầu tư bất động sản ở Trung Quốc giảm 18% trong hai năm qua và giới chức trách cần phải hành động nhiều hơn nữa để giải quyết các khoản nợ hàng trăm tỉ đô la Mỹ của các nhà phát triển bất động sản vốn đang căng thẳng tài chính.
Theo WB, doanh số bán nhà mới ở Trung Quốc giảm 5% trong thời 10 tháng đầu năm nay so với một năm trước đó, trong khi số lượng nhà mới giảm hơn 25%. Tình trạng suy giảm diễn ra tồi tệ nhất ở các thành phố nhỏ, nơi chiếm khoảng 80% thị trường bất động sản ở đất nước 1,4 tỉ dân. Một số điểm yếu đó được bù đắp nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực như xe điện, pin và các công nghệ năng lượng tái tạo khác cũng như trong các lĩnh vực quan trọng chiến lược như bán dẫn, vốn đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ. Nhưng để duy trì tốc độ tăng trưởng vững chắc, Trung Quốc cần phục hồi chi tiêu tiêu dùng, vốn đã giảm mạnh trong làn sóng bùng phát Covid-19 và vẫn ở mức dưới mức trung bình kể từ cuối năm 2021, báo cáo của WB cho hay.
WB lưu ý, lợi ích từ việc thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng ở một đất nước đã có nhiều dự án đường sá, bến cảng, đường sắt và nhà ở hiện đại sẽ tạo ra ít lực đẩy hơn cho nền kinh tế so với các chính sách thúc đẩy tiêu dùng.
Hôm 13-12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh ước tính tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc lên 5,2% từ mức 4,9% trước đó, nhưng vẫn duy trì dự báo tăng trưởng 4,5% trong năm tới. ADB cho biết ngành dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính ở Trung Quốc, bù đắp cho cơn suy thoái trong lĩnh vực bất động sản.
Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), công bố hôm 15-12, cho thấy, sản lượng công nghiệp của đất nước trong tháng 11 tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo và đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong gần 2 năm. Doanh thu bán lẻ của Trung Quốc trong tháng trước tăng 10,1%, nhanh nhất kể từ tháng 5 nhưng thấp hơn mức dự báo tăng 12,5% của các nhà phân tích.
Giá nhà mới ở 70 thành phố lớn của Trung Quốc giảm 0,37% trong tháng 11, đánh dấu tháng giảm thứ sáu liên tiếp. Trong khi đó, giá nhà trên thị trường thứ cấp giảm đến 0,79%, mức giảm mạnh nhất trong chín năm.
“Thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 11 khi ngày càng nhiều nhà phát triển vỡ nợ, làm giảm niềm tin của người mua. Các nhà phát triển có thể sẽ áp dụng các biện pháp giảm giá mạnh hơn để tăng doanh số bán hàng vào cuối năm”, Liu Shui, nhà phân tích của China Index Holdings, bình luận.
Hàng loạt biện pháp hỗ trợ cho đến nay phần lớn đã thất bại trong việc phục hồi thị trường, với doanh số bán nhà giảm 18 trong 22 tháng qua. Người mua vẫn đứng ngoài cuộc vì lo ngại giá giảm mạnh hơn cũng như sự chậm trễ trong xây dựng và tình trạng vỡ nợ của các nhà phát triển.
Trong báo cáo hồi đầu tuần này, Fitch Ratings dự báo, giá nhà ở Trung Quốc sẽ giảm thêm 7% trong năm tới và đà giảm sẽ kéo sang năm 2025.
Tuy nhiên, Liu Aihua, người phát ngôn và nhà kinh tế trưởng của NBS cho biết, khi chính quyền trung ương và địa phương triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ hơn, bao gồm xây dựng nhà được chính phủ trợ cấp và cải tạo các làng trong đô thị, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ cải thiện trong tương lai.
“Khi nền kinh tế tổng thể phục hồi và khi một loạt các biện pháp hỗ trợ bắt đầu có hiệu lực, chúng ta sẽ bắt đầu thấy những cải thiện nhỏ đối với một số chỉ số trong lĩnh vực bất động sản”, bà nói.
Theo AP, Bloomberg, SCMP