Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

World Bank: cẩn trọng với rủi ro nợ xấu hậu đại dịch

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – World Bank đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn còn cơ hội để phục hồi mạnh mẽ trong quí 4 và năm sau, nhưng cũng đưa ra cảnh báo rủi ro mất khả năng trả nợ tăng lên có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính theo thời gian.

Trong báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm của Việt Nam công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam về còn 4,8%, giảm mạnh từ mức 6,8% trong báo cáo đưa ra hồi cuối năm ngoái, sau khi đã xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 hiện nay.

Các đợt giãn cách xã hội liên tục từ đầu quí 2 đến nay ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động kinh tế tại TPHCM nói riêng. Ảnh: Lâm Vũ.

Đặt cược tăng trưởng vào quí 4

Trong kịch bản xấu hơn, nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022. Dù lạm phát vẫn ở mức thấp, nhưng cân đối tài khóa và cán cân khu vực kinh tế đối ngoại sẽ không cải thiện được như dự báo trong kịch bản cơ sở từ năm 2021 trở đi.

“Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vaccine, hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng và để kích thích phục hồi”, ông Rahul Kitchlu, Quyền giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Theo ông Rahul Kitchlu, mặc dù rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5-7% từ năm 2022 trở đi.

Giả định của dự báo là đợt dịch đang diễn ra hiện nay sẽ từng bước được kiểm soát, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi trong quí 4, chiến dịch tiêm vaccine diện rộng để đảm bảo ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào cuối năm, nhằm ngăn ngừa các đợt bùng phát nghiêm trọng mới.

Bên cạnh các yếu tố nội lực, viễn cảnh kinh tế ngắn và trung hạn của Việt Nam còn phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch và quá trình phục hồi hoạt động kinh tế ở các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam.

Sự tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể làm chậm quá trình phục hồi, trong bối cảnh thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang còn mong manh.

“Nếu một hoặc nhiều rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, thì nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ không hồi phục lại như dự kiến”, World Bank đánh giá.

Rủi ro khi nền kinh tế mở cửa

Báo cáo của World Bank cũng đưa ra những cảnh báo về bối cảnh kinh tế hậu đại dịch. Điều cần cảnh giác đầu tiên là rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng.

Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12-2020, và về mức 11,1% cuối tháng 6-2021.

“Những số liệu chung có thể che lấp đi nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II”, World Bank đánh giá.

Cơ quan quản lý cũng cần sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ rõ ràng, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng.

Khoảng hơn 300 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng tại TPHCM tạm đóng cửa từ ngày 23-8, để đáp ứng yêu cầu phòng dịch cao hơn. Ảnh: Lâm Vũ.

Một điều cần cảnh giác khác là chính sách tài khóa, là công cụ chính duy nhất trong tay các cơ quan chức năng để ứng phó với đại dịch nhưng được đánh giá là mở rộng khá “khiêm tốn”.

Trong thời gian tới, Chính phủ có thể sẽ cần đến mở rộng tài khoá để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, qua đó tránh được những căng thẳng xã hội có thể xảy ra. Chính sách tài khóa vẫn có đủ dư địa với tỷ lệ nợ công trên GDP xoay quanh mức 55,3% GDP vào cuối năm 2020.

“Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt dịch hiện nay không được kiểm soát nhanh chóng, hoặc những đợt dịch mới lại bùng lên trong những tháng tiếp theo”, World Bank cảnh báo.

Một rủi ro khác cần chú ý là xử lý hệ quả xã hội của khủng hoảng. Tác động của Covid-19 đến thị trường lao động và các hộ gia đình tiếp tục diễn ra trong năm 2021, và càng trở nên trầm trọng sau đợt dịch bùng phát vào tháng 2 và tháng 4.

Theo đánh giá, thu nhập của hộ gia đình đã bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, giữa các ngành nghề, giới tính và địa bàn. Những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và những địa bàn mà hoạt động kinh tế phụ thuộc vào du lịch và doanh nghiệp quốc tế cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn.

“Tác động khác biệt như vậy có thể dẫn đến sự gia tăng kéo dài của bất bình đẳng. Thu nhập hộ gia đình bị giảm sẽ ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng và đầu tư, và qua đó ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế. Thu nhập thấp cũng có thể tác động đến các khoản đầu tư cho sức khỏe và giáo dục của trẻ em, gây ảnh hưởng lâu dài đến tích lũy vốn con người của đất nước”, báo cáo World Bank đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới