Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

WSJ: ‘Cỗ máy xuất khẩu Việt Nam đang nâng cấp’

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với nhan đề “Cỗ máy xuất khẩu Việt Nam đang nâng cấp”, bài viết của tờ The Wall Street Journal (WSJ) hôm 6-10 ghi nhận Việt Nam đã chiếm một số thị phần xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc, nhưng “cường quốc xuất khẩu mới nổi vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Các nước Đông Nam Á đang trở thành một sự thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc khi thế giới vẽ lại bản đồ thương mại. Nhưng các doanh nghiệp ở Đông Nam Á cần phải đua tranh quyết liệt hơn nữa nếu muốn thu hút chuỗi cung ứng công nghệ rời khỏi Trung Quốc nhiều hơn. Bài viết của WSJ cho rằng Việt Nam là một ví dụ tốt minh họa cho điều này.

WSJ nhận định Việt Nam có cơ hội để tiến xa hơn trong chuỗi giá trị, vượt ra khỏi hoạt động lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm đơn thuần - Ảnh: TTXVN

Nền kinh tế Việt Nam mở rộng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quí 3, nhờ xuất khẩu mạnh hơn sang Mỹ, hiệu ứng cơ sở thấp (GDP quí 3-2021 suy giảm hơn 6%) và sự phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng tư nhân.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, chính sách ‘zero Covid’ của Trung Quốc và xung đột Nga-Ukraine đã làm nổi bật những rủi ro của chuỗi cung ứng sản xuất quá tập trung. Theo WSJ, Việt Nam là nước được hưởng lợi lớn do nằm gần Trung Quốc và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Giờ đây, Việt Nam có cơ hội để tiến xa hơn trong chuỗi giá trị, vượt ra khỏi hoạt động lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm đơn thuần.

“Nhưng cường quốc xuất khẩu Đông Nam Á sẽ cần những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để đạt được điều đó, một nhiệm vụ không hề dễ dàng”, bài viết của WSJ nhận định.

Xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam đã tăng lên 101,53 tỉ đô la vào năm 2020 từ 3,01 tỉ đô la vào năm 2008, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Dữ liệu của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho thấy thị phần nhập khẩu công nghệ của Mỹ trực tiếp từ Trung Quốc đã giảm 10 điểm phần trăm kể từ năm 2017, chủ yếu do xuất khẩu điện thoại di động từ Trung Quốc chậm lại.

Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất với mức tăng 6 điểm phần trăm trong thị phần nhập khẩu công nghệ của Mỹ trong cùng kỳ, phần lớn là nhờ các khoản đầu tư lớn của các nhà sản xuất điện tử Hàn Quốc như Samsung.

WSJ ghi nhận việc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc hồi đầu năm 2018 có thể đã kích hoạt sự thay đổi thị phần nhập khẩu công nghệ của Mỹ, nhưng đại dịch Covid-19 cũng đóng một vai trò quan trọng.

Nhiều công ty đang tìm cách thiết lập chuỗi cung ứng đáng tin cậy hơn bằng cách đa dạng hóa khỏi Trung Quốc, vốn được xem là công xưởng của của thế giới. Việt Nam là nơi đặt nhà máy của Samsung, Intel, Foxconn, LG và cũng là địa điểm sản xuất một phần nhỏ sản lượng toàn cầu của Apple. Việt Nam là một trong những nước đang được Apple xem xét kỹ lưỡng hơn như là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc của thế giới vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đã được xây dựng trong nhiều thập niên và ngày càng sâu sắc. Trong một lưu ý gần đây, các nhà kinh tế của Công ty tư vấn Oxford Economics cho biết dù họ kỳ vọng xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ tăng lên, nhưng để phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đòi hỏi khu vực này phải giảm đáng kể hoạt động nhập khẩu hàng hóa trung gian và nguyên liệu từ Trung Quốc nhưng có rất ít bằng chứng về điều này. Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng hóa trung gian của nước ngoài, bao gồm Trung Quốc.

Vượt qua hoạt động lắp ráp để trở thành một điểm sản xuất quan trọng đối với các linh kiện cao cấp sẽ là một cuộc chơi hoàn toàn khác và khó hơn nhiều đối với Việt Nam. “Điều này đỏi hòi Việt Nam tối thiểu phải có một lực lượng lao động trình độ cao và đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng mới. Hệ thống hạ tầng điện và giao thông hiện đại của Trung Quốc cũng như đội ngũ kỹ sư hùng hậu của nước này, với nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, vẫn là những lợi thế quan trọng”, bài viết của WSJ nhận định.

Việt Nam đang ghi nhận xuất khẩu sang Mỹ chậm lại do động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới suy yếu. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn tươi sáng. Điều đó sẽ đặc biệt đúng nếu thu nhập từ xuất khẩu được Việt Nam sử dụng nhiều hơn để xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn lực con người.

Theo WSJ

1 BÌNH LUẬN

  1. 1- Quảng Nam đã mạnh mẽ hơn đề xuất TW cho cải tạo QL14D – nhánh nhỏ còn sót lại của HLKTĐT2 từ LỢI THẾ ĐIỂM GIỮA qua Lào đi Băng Cốc (đi khắp Thái Lan bằng ht đường sắt có sẵn từ tỉnh Ubon bg Thái Lào sát Champasak), thậm chí đi ÂĐD/ẤĐ/Myanmar, với nhu cầu pt logistics pt kinh tế rất lớn.
    (Pt nông sản cây trái ở kv Nam Lào & Đông Bắc Thái này sẽ tiềm năng vô cùng lớn, thậm chí lớn hơn cả ĐBSCL khi mà ĐBSCL ngày càng bị nc biển dâng do biến đổi khí hậu. Các dn VN sát cạnh nhưng kg nhậy bằng HQ TQ NB Âu Mỹ!)

    2- Bộ GTVT cần xem lại việc chậm nâng cấp QL14D QNam – nhánh nhỏ còn sót lại phía VN của HLKTĐT số 2

    https://baoquangnam.vn/thuong-mai-dich-vu/kinh-te-cua-khau-bao-gio-thinh-vuong-bai-cuoi-cho-ngay-khai-thong-133014.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới