(KTSG Online) - Cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đến viễn cảnh tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo, cuộc chiến thuế Mỹ - Trung có thể cắt giảm tới 80% thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
- Xu hướng tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi?
- Podcast 2-7-2023: Trung Quốc tách khỏi phương Tây được không?

Cách đây một năm, tại một sự kiện ở Bắc Kinh, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ không muốn tách rời kinh tế hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Bà cảnh báo, với sự tích hợp sâu sắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, kịch bản chia cắt kinh tế toàn diện sẽ là “thảm họa”.
Thế nhưng, 12 tháng sau, các mức thuế mới của của Tổng thống Donald Trump áp vào hàng Trung Quốc, cùng với sự đáp trả quyết liệt từ Bắc Kinh, đang biến cảnh báo của bà Yellen thành hiện thực.
Các nhà kinh tế dự đoán, suy thoái sẽ diễn ra tại Mỹ khi Washington và Bắc Kinh sa vào thế đối đầu kinh tế nguy hiểm.
Nhà Trắng nhấn mạnh, Tổng thống Donald Trunp Trump “có ý chí thép” và sẽ không nhượng bộ. Hôm 9-4, ông tăng thuế nhập khẩu lên 125% với hàng Trung Quốc, dù tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày với nhiều đối tác thương mại khác.
Trước đó, Bắc Kinh tuyên bố “chiến đấu đến cùng” khi đáp trả bằng cách nâng thuế lên 84% với hàng Mỹ. Diễn biến này cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có ý định lùi bước.
Dù ông Trump đã nhiều lần bất ngờ thay đổi chính sách thuế quan, khả năng hòa giải thương mại Mỹ-Trung trong ngắn hạn là rất thấp.
Theo các nguồn thạo tin, trong các cuộc họp tại các tổ chức tư vấn chính sách ở Mỹ vào tuần trước, cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Thôi Thiên Khải cho rằng, ông Trump muốn Trung Quốc chủ động cầu hòa, điều mà Bắc Kinh không sẵn sàng làm dưới áp lực.
Thái độ của Trung Quốc với ông Trump đã chuyển từ lạc quan khi ông mới nhậm chức sang thất vọng, rồi đối đầu.
Các đợt áp thuế liên tiếp của Mỹ khiến Trung Quốc quyết tâm đáp trả. Arthur Kroeber, người đồng sáng lập công ty tư vấn Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh nhận định, ông Trump dường như muốn chấm dứt thương mại với Trung Quốc khi đẩy hai nền kinh tế với tổng GDP 46 nghìn tỉ đô la vào thế đối đầu.
Cuộc chiến thuế đang đe dọa gần 700 tỉ đô la Mỹ thương mại hàng hóa hai chiều, 1,4 nghìn tỉ đô la danh mục đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ, cùng các giao lưu con người thông qua qua doanh nghiệp và trường học.
Bloomberg Economics ước tính, mức thuế hơn 100% của Mỹ áp vào hàng Trung Quốc có thể xóa sổ gần hết hàng nhập khẩu từ quốc gia này trong trung hạn.
Các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Ford, Tesla đang xin miễn thuế cho máy móc mua từ Trung Quốc. 43% hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc là hàng hóa trung gian, chứ không phải sản phẩm hoàn chỉnh. Nếu thiếu, hoạt động sản xuất Mỹ có thể chậm lại, dẫn đến mất mát việc làm.
Hôm 9-4, Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể cắt giảm tới 80% thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế.
“Cách tiếp cận trả đũa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 3% thương mại toàn cầu, sẽ gây ra những tác động rộng hơn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế toàn cầu”, Ngozi Okonjo-Iweala cho biết trong một tuyên bố.
Điều đáng lo ngại nhất à sự phân mảnh tiềm tàng của thương mại toàn cầu theo quan điểm địa chính trị. Việc chia nền kinh tế thế giới thành hai khối có thể dẫn đến sự sụt giảm dài hạn của GDP thực tế toàn cầu gần 7%, bà Iweala cảnh báo.
Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho rằng, Trung Quốc đang tự tin hơn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ nhờ tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI).
"Trung Quốc không vội vàng mở các cuộc đàm phán vì theo thời gian, chúng tôi có thể sẽ ở vị thế tốt hơn. Mỹ sẽ đối mặt với sự trả đũa từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Canada và có thể là các nước khác. Trong khi đó, tại Mỹ, phản ứng của thị trường chứng khoán, sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế, lo ngại về lạm phát sẽ đặt ông Trump vào một tình huống mà ông không ngờ tới”, Wu Xinbo nói.
Nhà Trắng cho rằng, thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc mang lại lợi thế cho Washington vì Bắc Kinh sẽ chịu tổn thương lớn hơn nếu thuế quan chặn dòng chảy hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ.
Tuy nhiên, Evan Medeiros, cố vấn về châu Á-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama cảnh báo, Trung Quốc có nhiều công cụ trả đũa kinh tế chính xác như kiểm soát xuất khẩu, điều tra chống độc quyền, để gây tổn thương lớn cho doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc đã áp dụng các công cụ này, từ việc đưa nhiều doanh nghiệp Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy” để cấm mua hàng từ Trung Quốc cho đến đến hạn chế xuất khẩu đất hiếm, vốn quan trọng với Tesla và nhiều doanh nghiệp Mỹ khác.
Nhiều chuyên gia tin rằng cuối cùng, hai bên sẽ phải thỏa hiệp. Tuy nhiên, Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á (ASPI) cho rằng, các mức thuế mới của Mỹ khiến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung khó đạt được trong ngắn hạn.
Derek Scissors, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận định, ông Trump không muốn tách rời hoàn toàn khỏi kinh tế Trung Quốc nhưng việc đọc sai ý định của Trung Quốc có thể vô tình dẫn đến điều đó.
Theo Bloomberg